Môi trường

Ứng phó tình huống thiên tai bất thường trong vận hành liên hồ chứa

Các hồ chứa phía thượng và hạ lưu phải thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để bảo đảm công tác phối hợp, vận hành điều tiết cắt, giảm lũ được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du.

Khu vực cửa xả vùng hạ du thủy điện Hòa Bình. 
Ảnh: TTXVN phát 

Trước diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, gây đe dọa về an toàn cho cuộc sống người dân, trong đó có vấn đề đảm bảo an toàn trong vận hành hồ chứa nước, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng gồm sông: Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thành, Sê San, Srepok và Đồng Nai. Khoảng 134 hồ chứa, đập dâng trên 11 lưu vực sông đã được điều tiết, vận hành theo cơ chế liên hồ với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn công trình, cắt, giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, ưu tiên duy trì dòng chảy tối thiểu, cấp nước hạ du phục vụ hoạt động sản xuất và dân sinh trong mùa cạn.

Việc thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa đã bước đầu phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, theo ông Ngô Mạnh Hà, quá trình vận hành liên hồ chứa còn một số bất cập. Theo đó, để đảm bảo lấy nước ở phía hạ lưu, các nhà máy thủy điện phải xả lưu lượng lớn hơn. Điều này khiến mực nước trong hồ giảm nhanh vào cuối mùa khô, dẫn đến giảm khả năng phát điện. Mặt khác, các hồ chứa này phải tuân thủ theo quy trình vận hành đã được ban hành, trong đó mùa lũ phải dành một phần dung tích hữu ích để “chứa” lượng nước lũ.

"Nếu thiên tai bất thường, công tác dự báo khí tượng thủy văn chưa sát sẽ dẫn đến tình trạng cuối mùa lũ các hồ không tích đủ nước để cấp cho mùa khô kế tiếp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát điện và cung cấp nước của các hồ chứa, gây khó khăn cho công tác vận hành... Không những vậy, trên các lưu vực sông hiện nay còn có hàng nghìn công trình hồ chứa thủy lợi đơn mục tiêu khác, ít công trình có cửa van điều tiết, khả năng điều tiết lũ rất hạn chế so với tổng lượng lũ trên lưu vực, dẫn đến nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa", ông Ngô Mạnh Hà nêu ý kiến.

Nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, lũ gây ra, đặc biệt là sau những bài học từ bão số 3 đến an toàn, đời sống, sản xuất, tài sản của nhân dân ở các địa phương trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên các lưu vực sông: Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn và Trà Khúc khẩn trương tổ chức, thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, cung cấp thông tin, số liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa; tuân thủ nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và lệnh vận hành hồ của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Hệ thống quản lý dữ liệu vận hành hồ được lắp đặt tại các hồ chứa.
Ảnh: TTXVN phát 

Cũng theo ông Châu Trần Vĩnh, khi xuất hiện các tình huống bất thường, tình huống mưa, lũ vượt tần suất thiết kế, các đơn vị cần đề xuất phương án vận hành hồ chứa và báo cáo ngay tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định việc vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành ứng phó các tình huống khẩn cấp; tăng cường thực hiện việc thông báo, cảnh báo sớm cho chính quyền địa phương các cấp, nhân dân vùng thượng, hạ lưu trước khi vận hành xả lũ qua tràn, xả lũ khẩn cấp hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả về hạ du.

Các hồ chứa phía thượng và hạ lưu phải thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin vận hành, kết quả dự báo lưu lượng, mực nước hồ và các phương án điều tiết vận hành để bảo đảm công tác phối hợp, vận hành điều tiết cắt, giảm lũ (trường hợp xảy ra mưa lũ) được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân vùng hạ du. Đồng thời, thực hiện việc cung cấp thường xuyên, kịp thời số liệu vận hành hồ chứa tối thiểu 1 giờ/lần (khi có dự báo, cảnh báo bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ) lên Hệ thống quản lý dữ liệu vận hành hồ của Cục Quản lý tài nguyên nước (https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua) phục vụ công tác theo dõi, giám sát và dự báo, cảnh báo mưa lũ trên các lưu vực sông./.

Trần Diệu Thúy

Xem thêm