An sinh

Ưu tiên tạo cơ hội việc làm tại sân bay Long Thành cho người dân địa phương

Đồng Nai

Người dân Long Thành đã vì sự phát triển chung, nhường đất và hy sinh nhiều thứ để phục vụ sân bay Long Thành; họ xứng đáng được hưởng những thành quả mà sân bay mang lại, trước hết là việc làm

Toàn cảnh hội nghị
Ảnh: Công Phong/TTXVN 

TTXVN - Khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ cần hàng nghìn lao động, các đơn vị liên quan cần tạo cơ hội, ưu tiên tuyển lao động người địa phương, đặc biệt là người dân huyện Long Thành vào làm việc. Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tại Hội nghị đào tạo nguồn nhân lực vận hành Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), do Tỉnh ủy phối hợp UBND tỉnh tổ chức ngày 13/3.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, người dân Long Thành đã vì sự phát triển chung, nhường đất và hy sinh nhiều thứ để phục vụ sân bay Long Thành; họ xứng đáng được hưởng những thành quả mà sân bay mang lại, trước hết là việc làm. Để tạo tiền đề cho người lao động vào sân bay làm việc, các cơ sở giáo dục ở Đồng Nai cần tăng cường liên kết với các đơn vị đào tạo trong nước để đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngành hàng không cho người lao động. 

“Việc đào tạo phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Do ngành hàng không có tính chất đặc thù, người lao động làm việc trong sân bay, ngoài kiến thức chuyên môn còn cần trình độ ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, thái độ làm việc chuyên nghiệp, tích cực”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu ngành chức năng Đồng Nai liên hệ, phối hợp với các đơn vị hàng không nhằm minh bạch thông tin về nguồn nhân lực tại sân bay Long Thành; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của chuyên gia và các đơn vị liên quan để làm tốt công tác đào tạo nhân lực phục vụ sân bay.

Theo ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam, dự báo khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành cần gần 13.800 lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học với khoảng 5.000 lao động; số còn lại là lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Đồng Nai mỗi năm có từ 30.000 - 35.000 người tốt nghiệp Trung học phổ thông; toàn tỉnh có 21 trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, trình độ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ mới đạt khoảng 23%. Lao động phổ thông muốn làm việc tại sân bay Long Thành cần phải đào tạo. Tuy nhiên, các trường trong tỉnh chưa đủ điều kiện đào tạo các ngành hàng không theo quy định.

Ông Võ Tấn Đức cho biết, Đồng Nai đã thống nhất triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành. Tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xác định rõ yêu cầu, đối tượng, dự toán kinh phí, trình độ đầu ra, đầu vào, nhằm đảm bảo chất lượng nhân lực cho sân bay. Ông Đức đề nghị các trường trên địa bàn làm việc cụ thể với các đơn vị được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép đào tạo ngành nghề hàng không, qua đó liên kết đào tạo nhân lực đảm bảo chất lượng.

Cũng theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Đồng Nai đã có phương án kêu gọi xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch đất để xây dựng cơ sở đào tạo nhằm cung cấp nhân lực cho sân bay Long Thành cũng như các ngành nghề khác. Tới đây, tỉnh sẽ thực hiện kết nối cung – cầu lao động giữa đơn vị sử dụng lao động chuyên ngành hàng không và các cơ sở đào tạo; phối hợp nhằm hướng nghiệp, giới thiệu cho học sinh biết thông tin để đăng ký học các ngành nghề sân bay cần tuyển dụng. Đồng Nai đề nghị các công ty dịch vụ mặt đất, hãng hàng không, đặt hàng tỉnh đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, sân bay Long Thành là cảng hàng không trung chuyển quốc tế. Lao động làm việc tại sân bay cần nhiều tiêu chuẩn, trong đó phải có trình độ tiếng Anh, kể cả cán bộ quản lý và lao động phổ thông. Sân bay Long Thành ngoài sử dụng những người có chuyên ngành hàng không, còn cần khoảng 5.000 lao động bán hàng, chăm sóc cây xanh, vệ sinh nhà ga…

Tại Hội nghị, các chuyên gia, cơ sở đào tạo đề xuất tỉnh Đồng Nai nhanh chóng hoàn thiện cơ chế đặt hàng các nghề phục vụ trong lĩnh vực hàng không cho người dân trên địa bàn. Cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hàng không hỗ trợ các chuyên gia đầu ngành tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên; tạo điều kiện để sinh viên có thể tham quan, kiến tập, thực tập tại các đơn vị hàng không./.

Công Phong

Xem thêm