Thực tế đã cho thấy, sự tham gia của phụ nữ đóng góp tích cực vào hiệu quả triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
TTXVN - Nâng cao nhận thức về giới và thúc đẩy Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; thảo luận, đề xuất về vai trò của nam giới trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy tối đa năng lực, sự đóng góp trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên lĩnh vực gìn giữ hòa bình và về WPS giữa Việt Nam và Australia, đồng thời xây dựng, duy trì kết nối mạng lưới đội ngũ chuyên gia của Australia và Việt Nam trong lĩnh vực này...
Đây là những mục tiêu chính của buổi Trao đổi kinh nghiệm về gìn giữ hòa bình và an ninh trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào ngày 28/9.
Đồng chủ trì buổi trao đổi có Thượng tá Phạm Tân Phong, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Đại tá Michael Jansen, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam.
Sau ba lần diễn ra vào các năm 2019, 2020, 2022, đây là đợt Trao đổi kinh nghiệm lần thứ 4 về vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Phòng Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Australia phối hợp tổ chức. Trao đổi kinh nghiệm lần này có chủ đề “Tăng cường vai trò hỗ trợ của nam giới với chủ đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình”.
Tại buổi trao đổi, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xoay quanh 4 chủ đề chính: Vai trò của nam giới trong việc thúc đẩy WPS cũng như việc khuyến khích sự tham gia có hiệu quả của nữ nhân viên gìn giữ hòa bình tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Thực trạng, khó khăn, thách thức và định kiến về giới mà nữ nhân viên gìn giữ hòa bình đang phải đối mặt trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Giải pháp để nam giới phối hợp chặt chẽ với nữ giới ở cả cấp chính sách và cấp thực thi tại các phái bộ, nhằm phát huy tối đa năng lực và đóng góp của nữ nhân viên gìn giữ hòa bình; Bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện WPS.
Phát biểu khai mạc, Thượng tá Phạm Tân Phong cho biết, WPS thiết lập một lộ trình rõ ràng cho sự tham gia và vai trò dẫn dắt của phụ nữ trong việc ngăn chặn xung đột, thúc đẩy hòa bình ổn định, lâu dài trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, quyền tự quyết, tiếng nói và năng lực của phụ nữ cũng như nhận thức đối với các vấn đề về giới thực sự đóng vai trò quan trọng trong các đối thoại cấp cơ sở, quá trình hoạch định chính sách và các thỏa thuận hòa bình.
Thực tế đã cho thấy, sự tham gia của phụ nữ đóng góp tích cực vào hiệu quả triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Phụ nữ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các phái bộ thông qua việc tăng cường khả năng năng tiếp cận của lực lượng gìn giữ hòa bình tới các cộng đồng bản địa. Các thỏa thuận hòa bình có sự tham gia của phụ nữ thường được triển khai hiệu quả hơn. Quá trình đàm phán cũng thường diễn ra thuận lợi hơn với sự tham gia của nữ giới. Sự hiện diện của nữ giới trong các hoạt động đàm phán, thỏa thuận hòa bình giúp các bên liên quan nhìn nhận vấn đề thêm thấu đáo, toàn diện.
Nhấn mạnh vai trò quý báu của phụ nữ trong việc tham gia và thực thi hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ, Đại tá Micheal Jansen bày tỏ sự hãnh diện, tự hào về thành quả hợp tác giữa Australia và Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình nói chung cũng như những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Theo Tùy viên Quốc phòng Australia tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy phụ nữ đóng vai trò hết sức ý nghĩa, tạo nên sự cân bằng, bình đẳng trong các hoạt động về hòa bình và các tiến trình hòa bình, qua đó đóng góp to lớn vào việc tạo dựng và giữ gìn, duy trì hòa bình bền vững.
Đại tá Micheal Jansen cho rằng, sự kiện lần này đem lại cơ hội để phía Việt Nam và Australia cùng trao đổi về cơ hội của phụ nữ trong việc thúc đẩy hoạt động về WPS trong khuôn khổ Liên hợp quốc, thúc đẩy những hoạt động về lĩnh vực này tại các phái bộ gìn giữ hòa bình. Đồng thời, hai bên cùng bàn thảo, nghiên cứu các thách thức, rào cản, khó khăn mà nữ giới phải đối mặt trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Từ đó, hai bên có thể đề xuất giải pháp nhằm giúp nam giới thực thi tốt hơn nghĩa vụ của mình nhằm chia sẻ và tối đa hóa những đóng góp trong lĩnh vực này.