Trong cuộc diễn tập trên thực địa, các thành phần đã diễn tập đã thể hiện khả năng phối hợp hiệp đồng cùng các kỹ năng chuyên môn khi có nạn nhân bị thương nặng phải cấp cứu vận chuyển lên tuyến trên bằng đường không.
TTXVN - Chương trình đánh giá năng lực (CEPPP) cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 (2021 - 2023), do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia 4 (Hà Nội) là một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Trong Chương trình, ba thành phần quan sát viên quân sự, công binh và quân y đã tham gia các hoạt động diễn tập tích hợp nhằm nâng cao năng lực ứng phó tình huống cho các lực lượng tham gia.
Một trong những tình huống quan trọng được diễn tập đầu tiên là các sĩ quan công binh bị thương khi đang làm việc không may tiếp xúc vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và bị thương. Ngay sau đó, quy trình tích hợp quan sát viên quân sự-công binh - quân y lập tức được kích hoạt để thực hiện ứng phó với tình huống khẩn cấp về y tế này.
Trước tiên, Tổ quân y tại địa bàn tiếp cận hiện trường để phân loại và cấp cứu ban đầu các nạn nhân. Tổ quan sát viên quân sự đang thực hiện lộ trình tuần tra gần đó nhanh chóng tiếp cận bác sĩ nắm bắt tình hình sự việc, hỗ trợ phân đội công binh đánh dấu khu vực nguy hiểm, thông báo cho Cơ quan hành động mìn Liên hợp quốc bằng bộ đàm và sau đó báo cáo chỉ huy cấp trên đề nghị tăng cường quân y từ Bệnh viện dã chiến cấp 1.
Theo Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Trưởng tiểu ban Nội dung: Phần huấn luyện này giúp các học viên nâng cao nhận thức về vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và phản ứng, xử trí phù hợp trong môi trường quân sự tích hợp giữa nhiều bộ phận quan sát viên quân sự, công binh và quân y.
Qua diễn tập tình huống sẽ cải thiện và phát triển năng lực bảo đảm của công binh, chăm sóc y tế ở cấp chiến thuật khi phối hợp hiệp đồng với quan sát viên quân sự để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; cải thiện khả năng giao tiếp, điều phối để làm việc hiệu quả giữa các bộ phận của phái bộ.
Trong cuộc diễn tập trên thực địa, các thành phần đã diễn tập đã thể hiện khả năng phối hợp hiệp đồng cùng các kỹ năng chuyên môn khi có nạn nhân bị thương nặng phải cấp cứu vận chuyển lên tuyến trên bằng đường không. Công tác chuẩn bị vận chuyển nạn nhân lên tuyến trên được thực hiện nhanh chóng và tuân thủ theo quy trình chuẩn Liên hợp quốc vì đây là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp, điều phối giữa nhiều bộ phận. Quy trình nếu không được tuân thủ đúng sẽ dẫn tới chậm trễ trong việc vận chuyển cấp cứu nạn nhân lên bệnh viện tuyến trên.
Tình huống diễn tập này đòi hỏi phải báo cáo chính xác vụ việc theo đúng quy trình chuẩn của Liên hợp quốc; ứng phó hợp lý, phân loại chính xác mức độ thương tích và sơ cứu thương hiệu quả để giảm thiểu thương vong; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận.
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Quang Chiến, Trưởng nhóm giảng viên Quân y cho biết, những sự cố như trên hoàn toàn có thể xảy ra trong điều kiện thực tế ở mỗi phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Do đó, tình huống diễn tập này có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, bổ sung cho các bài giảng lý thuyết trong quá trình huấn luyện, giúp các học viên hiểu rõ hơn hướng dẫn và tiêu chuẩn của Liên hợp quốc về bảo đảm y tế ở địa bàn phái bộ, sự phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ tại thực địa.
Trưởng nhóm giảng viên Quân y đánh giá, ở bài tập này, các nhóm tham gia diễn tập đã hoàn thành tốt các nội dung theo kịch bản đề ra. Tuy nhiên, một số hạn chế cần khắc phục, cải thiện hơn trong những lần tập tiếp theo để đáp ứng các yêu cầu và đạt kết quả tốt hơn trong diễn tập.
Nữ Trung tá người Ấn Độ Kusum Khati nhận xét, các nhóm tham gia diễn tập trong tình huống này đã thực hành rất tốt kỹ năng chuyên ngành. Bà cho rằng, kịch bản diễn tập được xây dựng sát với điều kiện thực tế là sự chuẩn bị tốt cho lực lượng tiền triển khai tới phái bộ, giúp họ hiểu được các tình huống thực tế có thể xảy và cách ứng phó trước tình huống đó như sơ cứu thương y tế hiện trường, sơ tán hàng loạt.../.