Kết quả PISA 2022 cho thấy, Việt Nam luôn ở nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN cũng như ở vị trí cao của nhóm các nước, vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình và ở quanh mức trung bình của các nước OECD.
TTXVN - Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố kết quả khảo sát PISA Việt Nam năm 2022. Kết quả này được công bố công khai từ bài khảo sát về Toán, Đọc, Khoa học của đại diện nhóm học sinh 15 tuổi ở Việt Nam. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về những chuyển biến trong kết quả học tập sau 10 năm tham gia khảo sát PISA và vận dụng mô hình đánh giá này để đánh giá năng lực học sinh Việt Nam.
*Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh, qua 10 năm tham gia khảo sát, kết quả khảo sát PISA mới nhất của Việt Nam có sự chuyển biến như thế nào ?
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh: Việt Nam tham gia đánh giá từ năm 2012, đến năm 2022 có 81 quốc gia, vùng lãnh thổ bao gồm 36 quốc gia OECD và các quốc gia, vũng lãnh thổ quan tâm khác. Việt Nam đã thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm ngặt mọi quy trình của OECD khi triển khai PISA 2022.
Kết quả, học sinh Việt Nam đạt điểm gần với mức trung bình của OECD ở cả môn Toán, môn Đọc và Khoa học với điểm trung bình 3 môn xếp thứ 34/81 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực ASEAN sau Singapore. Học sinh Việt Nam có điểm Toán thuộc nhóm cao nhất ở châu Á, chỉ sau Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc khi tính theo chỉ số PISA về điều kiện kinh tế - xã hội. Những kết quả này phù hợp với thông tin OECD phân tích về các nhân tố tác động tới kết quả trong báo cáo công bố.
Các chu kỳ khảo sát của PISA có biến động xếp hạng, do đó, Việt Nam cũng có sự thay đổi về kết quả. Chúng ta cũng rất quan tâm đến các phân tích, đánh giá chuyên sâu để phục vụ xây dựng và thực thi chính sách. Tôi cũng thông tin là Việt Nam đang tích cực xây dựng báo cáo quốc gia để phân tích và đối sánh kết quả PISA 2022.
Chuyển biến chung của kết quả PISA qua các chu kỳ là điểm trung bình các môn có sự thay đổi do việc bổ sung, cập nhật nội dung đánh giá phục vụ mục tiêu đặt ra từng giai đoạn.
Như các chu kỳ khác, kết quả PISA 2022 cho thấy, Việt Nam luôn ở nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN cũng như ở vị trí cao của nhóm các nước, vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình và ở quanh mức trung bình của các nước OECD.
Kết quả PISA 2022 về hạng chung giảm. Chúng tôi bước đầu đánh giá một số nguyên nhân của kết quả này do thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Việt Nam tổ chức dạy học trực tuyến là việc mới ở rất nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh - điều không mới với nhiều quốc gia phát triển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tinh giản nội dung, chỉ giữ phần cốt lõi; hướng dẫn nhiệm vụ đánh giá học sinh, điều chỉnh giảm liên quan đến các nội dung vận dụng; việc thực hiện giờ học bổ trợ cũng giảm.
*Phóng viên: Theo kết quả chung do OECD công bố, chi tiêu cho giáo dục cao hơn có liên quan đến kết quả cao hơn ở môn Toán PISA. Tuy nhiên, Việt Nam lại là ví dụ điển hình về học sinh đạt kết quả học tập cao khi đầu tư cho giáo dục còn ở mức khiêm tốn. Theo ông, nguyên nhân có phải do học sinh Việt Nam chú trọng vào môn Toán hơn không ?
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh: Chi tiêu giáo dục cho mỗi học sinh của Việt Nam từ 6 - 15 tuổi chỉ khoảng 13.800 USD, trong khi các quốc gia, vùng thổ trong nền kinh tế OECD chi tiêu ở mức 75.000 USD, nhưng điểm trung bình môn Toán của học sinh Việt Nam đạt 438 điểm - một trong những mức cao nhất dành cho học sinh có nền tảng kinh tế - xã hội tương tự. OECD chỉ công bố đối sánh này ở môn Toán vì PISA 2022 có trọng tâm là môn học này.
Theo tôi, nguyên nhân của kết quả này đến từ nhiều phía. Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu, được Nhà nước và người dân, gia đình quan tâm. Cơ hội học tập cho các em thông qua mạng lưới trường học rộng khắp cả nước, ví dụ như 97% học sinh cho biết đã theo học giáo dục mầm non từ một năm trở lên (trung bình OECD là 94%).
Chương trình học tập được thiết kế để cung cấp cho học sinh Trung học Cơ sở kiến thức nền tảng vững chắc trong các môn học cơ bản như Toán, Khoa học, Ngữ văn nên học sinh Việt Nam đạt điểm quanh điểm trung bình của OECD.
Bên cạnh đó, môn Toán được đánh giá là thế mạnh của học sinh Việt Nam qua các kỳ đánh giá khác cũng như nhiều kỳ thi Olympic quốc tế. Vì vậy, kết quả môn Toán của Việt Nam trong kỳ PISA này cơ bản cũng phản ánh đúng chất lượng dạy học môn này ở nước ta so với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới.
Giáo viên Việt Nam cũng chú trọng rèn luyện tư duy logic cho học sinh trong quá trình giảng dạy môn Toán, khuyến khích phương pháp giải toán đa dạng. Học sinh được tiếp cận với nhiều phương pháp giải toán khác nhau, giúp phát triển khả năng sáng tạo và tư duy độc lập.
*Phóng viên: Ông có nhận xét gì về khoảng cách giữa học sinh có điều kiện học tập tốt nhất và những học sinh khó khăn nhất. Phải chăng, Việt Nam còn nhiều điều cần làm để thu hẹp khoảng cách này ?
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh: Đúng là có việc học sinh có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi vượt trội so với học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở môn Toán. Mức chênh lệch trung bình giữa hai nhóm là 78 điểm so với 93 điểm ở các nước OECD. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước, vùng lãnh thổ khác. Tuy nhiên, khoảng 13% học sinh Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn đạt điểm cao trong top 25% (trung bình ở các quốc gia OECD là 10%).
Bên cạnh điều kiện kinh tế - xã hội thì còn các nhân tố khác tác động đến kết quả học tập. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, có hệ thống, phù hợp với từng vùng miền nhằm hướng tới sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.
*Phóng viên: Theo ông, tham gia khảo sát PISA có ý nghĩa như thế nào trong đổi mới giáo dục Việt Nam ? Chúng ta đã vận dụng mô hình đánh giá của OECD vào việc đánh giá học sinh ra sao ?
*Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Khánh: PISA 2022 gồm 81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia với ít nhất 81 chương trình Trung học Cơ sở khác nhau. Nhiều bộ sách, tài liệu học tập nhưng cùng áp dụng một bài thi đánh giá năng lực trong 120 phút và 35 phút hỏi các thông tin liên quan đến học sinh. Cuộc khảo sát được tổ chức khoa học và nghiêm túc, cung cấp dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng, thực thi chính sách.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Đề án phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 - 2030, theo Quyết định số 468/QĐ-BGDĐT ngày 13/2/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (Đề án 468). Việc triển khai Đề án này nhằm định kỳ cung cấp thông tin khách quan, tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông, làm cơ sở đề xuất chính sách, giải pháp đổi mới hoạt động dạy và học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia PISA 2025 thể hiện cam kết và nhất quán về mục tiêu, ý nghĩa tham gia các kỳ đánh giá diện rộng của Đề án 468.
Những năm qua, chúng ta cũng đã vận dụng mô hình đánh giá của OECD vào đánh giá học sinh Việt Nam. Cục Quản lý chất lượng vẫn đang triển khai tập huấn vận dụng cách đánh giá PISA nhằm nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, giáo viên. Các đợt tập huấn đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên vận dụng được cách đánh giá PISA tại địa phương; đổi mới việc xây dựng đề kiểm tra theo hướng phát triển năng lực học sinh. Các kĩ thuật, phương pháp đánh giá của PISA có nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp với xu hướng đánh giá năng lực người học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế.
*Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.