Pháp luật

Vận dụng sức mạnh toàn xã hội trong đấu tranh, phòng ngừa, kéo giảm tội phạm

Tây Ninh

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện chỉ thị số 30-CT/TU.

Quang cảnh hội nghị. 
Ảnh: Minh Phú – TTXVN

Chiều 7/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Tây Ninh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 26/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh; báo cáo Đề án phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản của UBND tỉnh và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh năm 2024.

Theo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh, sau 1 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị, các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên dự báo thời gian tới, các loại tội phạm này sẽ còn diễn biến rất phức tạp với các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới kết hợp thủ đoạn phạm tội truyền thống, phạm vi hoạt động trên toàn quốc và xuyên quốc gia, từ đó sẽ gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Do đó, năm 2025, Tây Ninh sẽ vận dụng sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh, phòng ngừa, kéo giảm tội phạm.

Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương và các lực lượng chức năng tập trung tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Kế hoạch, Đề án của Trung ương và của địa phương về phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong các đợt cao điểm ra quân đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh phát biểu chỉ đạo. 
Ảnh: Minh Phú – TTXVN

Trong đó, các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và cả hệ thống chính trị của tỉnh phải tích cực phối hợp với lực lượng Công an thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm, quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp có hiệu quả đối với các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn các loại tội phạm thuộc mục tiêu 4 giảm của tỉnh (giảm ma túy, giảm tội phạm cố ý gây thương tích, giảm tội phạm trộm cắp, giảm các loại tội phạm về cờ bạc, tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Cũng theo Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh, năm 2024, tội phạm về ma túy phát hiện 261 vụ (giảm 29 vụ); tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra 118 vụ (giảm 4 vụ); tội phạm trộm cắp tài sản đã xảy ra 247 vụ (giảm 10 vụ, gây thiệt hại tài sản khoảng 7,9 tỷ đồng); tội phạm về cờ bạc, tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm cờ bạc phát hiện 61 vụ (giảm 33 vụ); tội phạm liên quan đến tín dụng đen 17 vụ (giảm 21 vụ); tội phạm lừa đảo theo phương thức truyền thống xảy ra 65 vụ (tăng 5 vụ, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng); tội phạm về cờ bạc, tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 61 vụ (giảm 33 vụ); tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tăng 58 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh thông tin, năm 2024, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các hiệu quả các biện pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội ngay từ cơ sở, không để xảy ra tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, gây bức xúc dư luận. Kết quả, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế; bảo vệ thành công các sự kiện chính trị quan trọng, ngày lễ lớn trên địa bàn tỉnh; tỉnh cũng đã thành lập 535 Tổ bảo vệ an ninh trật tự tại 533 ấp, khu phố thuộc 94 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Trong năm, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm cơ bản đạt trên 75%, tình hình tội phạm trong thanh thiếu niên được giải quyết ổn định. Các biện pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội được tăng cường; công tác bắt, giam giữ và điều tra xử lý tội phạm được thực hiện đúng quy định pháp luật; công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự đảm bảo đúng quy định không để khiếu nại, tố cáo kéo dài. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tạm giam, tạm giữ tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam được thực hiện đúng quy định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) được duy trì thường xuyên, chặt chẽ, từ đó nâng cao trách nhiệm của từng ngành trong thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử.../.


Minh Phú

Xem thêm