Chỉ đạo, Điều hành

Việt Nam – đất nước của tự do tôn giáo: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 2007 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phục dựng, tôn tạo 9 ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Hàng năm, các vị sư tăng là thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra trụ trì tại các ngôi chùa này, sống cùng các chiến sỹ, quân và dân trên đảo, ngày đêm giữ vững chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Có tới 9 năm trụ trì các chùa trên quần đảo Trường Sa, Đại đức Thích Nhuận Đạt cho biết, lần đầu tiên thầy được Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử ra Trường Sa là vào năm 2013. Kể từ đó đến nay, thầy đã trụ trì 2 chùa trên quần đảo này là chùa Song Tử Tây và chùa Trường Sa Lớn. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngôi chùa là chỗ dựa về mặt tâm linh cho bà con ngư dân khi vươn khơi, cho anh em chiến sỹ đang công tác trên đảo và người dân nơi đây.

Những ngôi chùa ở Trường Sa là những cột mốc tâm linh, chủ quyền của Tổ quốc.

Mỗi ngày tuần, rằm, chị Lữ Thị Cúc - người dân trên đảo Sinh Tồn, lại cùng gia đình lên chùa thắp hương cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Theo chị Cúc, việc phục dựng ngôi chùa ở đây rất ý nghĩa, linh thiêng, là chỗ dựa tinh thần khiến cho mỗi người dân thấy yên tâm hơn.

Trong chuyến thăm, động viên các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc và nhân dân trên quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, những ngôi chùa nơi đây là cột mốc tâm linh để cán bộ, chiến sỹ hải quân và bà con trên đảo nương tựa. Tuy sống ở đảo, xa đất liền, xa quê hương, xa gia đình, nhưng có ngôi chùa, các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cảm thấy như đang sống ở đất liền, để vững tâm giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.

(Nguồn: Vnews)

Dù ở vùng hải đảo xa xôi hay nơi biên cương của Tổ quốc, những mái chùa luôn là nơi nương náu, che chở hồn dân tộc, để mỗi người đi đâu cũng lại tìm về cho tâm thanh tịnh, cho lòng an vui. Nói như Nhà sử học Dương Trung Quốc, “ngôi chùa chỉ là cái vỏ vật chất, nhưng lại chứa đựng cả một giá trị tinh thần. Có ngôi chùa, người dân cảm thấy yên ấm, ổn định, đúng như câu chúng ta vẫn hay nhắc đến: mái chùa là nơi che chở, nương náu hồn dân tộc”.

Những ngôi chùa mọc lên trên khắp dải đất hình chữ S, dù ở đồng bằng, miền núi, đất liền hay hải đảo giữa trùng khơi… là minh chứng sống động về quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của mọi người dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, cũng như về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ấy.

Điều đó cũng thể hiện rõ nét việc thực thi Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Có thể thấy, thời gian qua, các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các tổ chức và cá nhân tôn giáo về xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, trùng tu cơ sở thờ tự đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, hướng dẫn, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo. Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện công tác quy hoạch, đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu tôn giáo; xem xét, giải quyết giao đất, xây dựng mới cho nhiều cơ sở thờ tự.

Khẳng định Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết, đến thời điểm hiện nay, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở được xây mới; hàng trăm héc ta đất đã được cấp cho các tổ chức tôn giáo để xây dựng cơ sở tôn giáo, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị). (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Điển hình như chính quyền tỉnh Quảng Trị đã cấp thêm 19 ha mở rộng khuôn viên Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang. Chính quyền thành phố Hải Phòng cấp 10.000 m2 xây dựng nhà hưu dưỡng cho các linh mục, tu sỹ của giáo phận Hải Phòng. Chính quyền tỉnh Ninh Bình cấp 15.000 m2 xây dựng Trung tâm mục vụ giáo phận Phát Diệm. Hay tỉnh Thừa Thiên - Huế giao 20 ha đất cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế sử dụng. Thành phố Đà Nẵng giao 6.000 m2 đất cho Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam sử dụng.

Chánh phối sư Thượng Phong Thanh (Huỳnh Thanh Phong), Phó Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên cho biết, cơ sở thờ tự tôn giáo của đạo Cao Đài được xây dựng, sửa chữa ngày càng khang trang. Trước đây, các cơ sở xuống cấp thì đến nay trên 80% được trùng tu xây dựng mới.

Việc quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo những năm qua được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từng bước đi vào nền nếp, góp phần quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả nước.

Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đã tăng đáng kể, giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai được chặt chẽ; bảo đảm pháp lý, phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các cơ sở tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tôn giáo thực hiện được quyền của người sử dụng đất. Tính đến đầu năm 2021, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 49 tỉnh, thành phố là 15.174/20.215, chiếm 75,06%; số cơ sở tôn giáo chưa được cấp là 5.041/20.215, chiếm 24,94%./.

Bài: Chu Thanh Vân - Thiết kế: Việt Đức

Tin liên quan

Xem thêm