Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp
Hai bên nhất trí đổi mới hoạt động, phát huy vai trò của tổ chức góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng quan hệ lao động, đảm bảo phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động.
(TTXVN) Sáng 11/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Lao động quốc tế Nhật Bản (JILAF) tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp và phúc lợi cho đoàn viên.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang trong bối cảnh chịu nhiều thách thức từ sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế... Do vậy, việc đổi mới hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng quan hệ lao động, đảm bảo phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động tại doanh nghiệp.
Để thực hiện có hiệu quả hoạt động Công đoàn trong tình hình mới, ông Lê Đình Quảng cho rằng, các cấp Công đoàn cần tập trung nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Điều này sẽ góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Hội nghị, ông Moto Bayashi, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Lao động quốc tế Nhật Bản đã chia sẻ về lịch sử phát triển của JILAF; đồng thời nhấn mạnh, hoạt động của lao động quốc tế Nhật Bản hiện nay dựa trên 2 trụ cột chính là xây dựng mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp và lao động ở khu vực phi chính thức hướng đến xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em.
Theo ông Moto Bayashi, quan hệ chủ - thợ tại Nhật Bản đã và đang thay đổi tùy theo xã hội, kinh tế; trong đó, chuyển từ hình thái quan hệ đối lập sang quan hệ hợp tác. Xu hướng chính hoạt động Công đoàn cấp cơ sở tại doanh nghiệp hướng đến mô hình thị trường lao động nội bộ; trong đó, yêu cầu phải đảm bảo tuyển dụng lâu dài (bao gồm: thuyên chuyển vị trí, tái huấn luyện, điều chỉnh tiền lương…); thương lượng chủ - thợ, thỏa thuận lao động thực hiện theo từng doanh nghiệp; Công đoàn tham gia kinh doanh thông qua phong trào tăng năng suất, đàm phán chủ - thợ…
Ông Moto Bayashi nêu rõ, những thách thức lớn hiện nay là lao động phi chính thức ngày càng gia tăng và tập trung phần lớn ở lao động nữ; công tác tuyển dụng không ổn định; điều kiện lao động thấp; lao động tay nghề không cao. Ngoài ra, Nhật Bản còn gặp các thách thức như lực lượng lao động lớn tuổi, môi trường lao động cho người khuyết tật, dân số lao động sụt giảm, mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài…
Trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn. Nhiệm vụ then chốt của các cấp Công đoàn là đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên; nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ người lao động. Các đại biểu cũng xác định khâu đột phá là xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là lực lượng Chủ tịch Công đoàn khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh nội dung về quan hệ lao động mang tính xây dựng tại Nhật Bản, một số quy định pháp luật về quan hệ lao động tại Nhật Bản; một số kinh nghiệm về dịch vụ và phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn.../.