Sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra trên 80 điểm sạt lở, tăng hơn 60 điểm so với cùng kỳ.
(TTXVN)- Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra trên 80 điểm sạt lở, tăng hơn 60 điểm so với cùng kỳ. Tại một số khu vực ven sông, tình trạng sạt lở xuất hiện thường xuyên, ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Nhiều năm qua, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã duy trì thực hiện giải pháp phi công trình và công trình, qua đó phần nào chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do những hiện tượng, thiên tai xảy ra.
Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết làm rõ chủ đề trên đăng phát vào 11/8.
Bài 1: Nơm nớp nỗi lo mất an toàn
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tình hình sạt lở bờ sông diễn ra liên tục. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, các địa phương liên tục ghi nhận những vụ sạt lở nghiêm trọng. Nhiều điểm sạt lở ăn sâu đất liền khiến người dân phải di dời khẩn cấp, nhiều căn nhà kiên cố bỗng chốc rơi xuống sông khiến không ít hộ dân điêu đứng. Người di dời đi thì xót lòng do mất tài sản tích góp, người ở lại bám trụ cũng phập phồng nỗi lo mất an toàn.
* Bất an bên bờ sạt lở
Đoạn sạt lở thuộc tuyến sông Trà Ôn (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) xảy ra vào ngày 9/6 vừa qua đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công bố tình huống khẩn cấp với chiều dài hơn 80m. Trên đoạn này có 9 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng. Ngay khi khu vực này có dấu hiệu sạt lở, chính quyền đã hỗ trợ người dân kịp thời di dời đến nơi ở tạm. Đến nay, hầu hết các căn nhà đều đã rơi xuống sông. Dù kịp thời di dời phần lớn tài sản đến nơi an toàn, nhưng chứng kiến cảnh căn nhà bao năm tích góp bị rơi xuống sông, các hộ dân nơi đây không khỏi bùi ngùi.
Bà Trần Thị Bạch (xã Tích Thiện) vẫn chưa hết xót xa khi chứng kiến căn nhà của mình bị cuốn rầm rầm xuống lòng sông. Ngày 9/6, nhà có dấu hiệu rạn nứt, đến ngày 11/6, một phần căn nhà rơi xuống sông, gia đình bà phải di dời đến nơi khác. Trong những ngày ở tạm gần khu vực sạt lở, một lần nữa bà chứng kiến phần còn lại của căn nhà nứt toạc, rồi chìm dần xuống sông. “Thấy nhà cửa chìm xuống sông bà con ở đây chỉ biết khóc. Tiền của tích góp bao nhiêu năm đổ vô căn nhà, xuống sông hết rồi, biết bao giờ mới xây dựng lại được”- bà Bạch nói.
Cách đó không xa là căn nhà của bà Phạm Thị Vân, cũng đang chơ vơ bên bờ sạt lở, không thể ở được. Bà Vân chia sẻ, căn nhà của gia đình đã một lần rơi xuống sông, chính quyền hỗ trợ bà xây dựng lại, giờ thêm lần nữa trôi theo dòng nước. Những ngày qua bà phải ở tạm nhà người quen, cuộc sống bấp bênh phải nhờ vào sự trợ giúp của địa phương, các đoàn thể.
Bất an, lo sợ là tâm trạng của nhiều người dân đang sống tại khu vực sạt lở thuộc xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn. Đoạn sạt lở xảy ra vào ngày 27/5, dài hơn 60m, rộng 5-7m đã ảnh hưởng đến việc đi lại của trên 30 hộ dân với trên 100 nhân khẩu. Theo các hộ dân, khu vực này đã xảy ra sạt lở và được địa phương gia cố. Tuy nhiên, do dòng chảy mạnh và lưu lượng phương tiện thủy lưu thông cao nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Là một trong những hộ gia đình có nhà đang trước nguy cơ sụp xuống sông, bà Phạm Hồng Thủy (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn) không khỏi lo lắng khi dấu hiệu rạn nứt ngày càng nghiêm trọng. Bà Thủy cho biết, từ năm 2021 đến nay, khu vực trước nhà đã sạt lở 3 lần, làm mất gần 10m đất của gia đình. Hiện nay căn nhà đang sinh sống cũng bị nứt hơn phân nửa, gia đình phải dời về phía sau để ở. Người dân mong muốn địa phương, ngành chức năng sớm làm bờ kè kiên cố để yên tâm sản xuất.
Tại huyện Long Hồ, trong những ngày đầu tháng 6 cũng liên tục xảy ra các vụ sạt lở bờ sông. Điển hình như đoạn sạt lở bờ sông Cái Cao, thuộc xã Phú Đức. Đoạn sạt lở ăn sâu vào bờ từ 4-7m, có nhiều vết nứt kéo dài khoảng 150m. Sạt lở đã khiến giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhà cửa của 23 hộ dân với hơn 130 nhân khẩu, trong đó có 8 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân di dời vật kiến trúc đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, đồng thời đề xuất các ngành chuyên môn đánh giá nguyên nhân sạt lở, sớm có giải pháp khắc phục.
Ông Võ Văn Hạp (xã Phú Đức) cho biết, hiện nay, sạt lở đã lấn sâu vào bờ gần 7 m. Từng hàng cây, tường rào của người dân đã bị rơi xuống sông. Nhiều căn nhà hiện đã có dấu hiệu nứt tường, vết hàm ếch ăn sâu vào trước cửa. Mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường thì vị trí sạt lở lại tiếp tục mở rộng. Mặc dù lo lắng nhưng do không có nơi khác để di dời nên nhiều hộ dân vẫn đành bám trụ lại nơi đây.
* Sạt lở gia tăng
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 80 điểm sạt lở, tăng hơn 60 điểm so với cùng kỳ năm 2022. Sạt lở đã làm mất hơn 2.400m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao, nhà dân…, ảnh hưởng trực tiếp đến 82 hộ dân. Qua thống kê, thiệt hại về tài sản hơn 7,5 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tại huyện Trà Ôn, trong 6 tháng đầu năm, địa phương có hai điểm sạt lở nghiêm trọng được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp ở xã Lục Sỹ Thành và xã Tích Thiện, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 11 hộ dân, gây thiệt hại tài sản hơn 3 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn có hơn 70 đoạn đê bao, sông có nguy sạt lở. Trong đó, hơn 40 đoạn đã được gia cố, khắc phục, 30 đoạn còn lại sẽ được hoàn thành trong năm nay.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Ôn Đặng Thị Bé Sáu cho biết, trước tình hình sạt lở xảy ra liên tục, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương tích cực tuyên truyền người dân nắm tình hình, theo dõi chặt chẽ các nguy cơ sạt lở nơi mình sinh sống để chủ động phòng, tránh kịp thời.
Huyện chỉ đạo các địa phương tiếp giáp với các con sông lớn tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu để lắp đặt biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, đề xuất các phương án di dời người dân hoặc gia cố kịp thời. Riêng đối với hai điểm sạt lở đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp, địa phương đã kiến nghị tỉnh sớm triển khai các giải pháp công trình, không để sạt lở mở rộng ảnh hưởng đến những hộ dân còn lại.
Tại huyện Mang Thít, tình hình sạt lở trên địa bàn đang có dấu hiệu gia tăng và phức tạp. Theo ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít, nếu như năm 2022, toàn huyện chỉ xảy ra 17 đoạn sạt lở thì từ đầu năm đến nay đã xảy ra hơn 15 đoạn sạt lở. Trước đây, sạt lở chủ yếu xảy ra ở những con sông lớn thì nay sạt lở rải đều khắp các tuyến sông, thậm chí là các con sông nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Diên cho biết: “Đối với tình hình sạt lở từ đầu năm đến nay, huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn, xem xét các thủ tục hỗ trợ theo quy định. Song, vấn đề địa phương lo lắng hiện nay là tình hình thiên tai diễn ra phức tạp, khó lường, nhiều hộ dân khó khăn nay gặp phải sạt lở cần được bố trí tái định cư, tuy nhiên thực trạng quỹ đất bố trí tái định cư của huyện còn hạn chế”.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2020 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp 23 khu vực bờ sông, kinh, rạch, đê bao với chiều dài gần 12.000 m; trong đó, năm 2020 có 6 khu vực, năm 2021 có 7 khu vực, năm 2022 có 6 khu vực và 6 tháng đầu năm 2023 có 4 khu vực. Phần lớn các vị trí bị sạt lở có quy mô nhỏ đều do tỉnh tự khắc phục theo phương châm “bốn tại chỗ”, còn các khu vực sạt lở có tốc độ mạnh, quy mô lớn thì nhờ sự hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở từ nguồn vốn trung ương, kết hợp vốn ngân sách địa phương, điển hình là kè Cái Nhum, kè sông Cổ Chiên (từ cầu Mỹ Thuận đến Phường 5, thành phố Vĩnh Long), kè thị trấn Trà Ôn./.