Văn hóa

Vĩnh Phúc: Tập trung nguồn lực, sớm đưa các khu thiết chế làng văn hóa kiểu mẫu vào hoạt động

Vĩnh Phúc

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan chỉ đạo, các ngành, địa phương cần nỗ lực sớm đưa các khu thiết chế văn hóa của các làng văn hóa kiểu mẫu vào hoạt động.

Hội nghị thông tin, trao đổi và định hướng báo chí tuyên truyền về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" tại Hội trường Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

TTXVN - Việc xây dựng một số khu thiết chế văn hóa của các làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được nhiều người dân đồng thuận, ủng hộ. Điều dễ nhận thấy là ở đâu có khu thiết chế văn hóa hoàn thành thì làng quê đó thay đổi lớn về cảnh quan, môi trường, người dân được hưởng lợi nhiều từ các hoạt động văn hóa, thể thao, dễ tiếp cận các thông tin, kiến thức hữu ích... Vì thế, các ngành, địa phương cần nỗ lực sớm đưa các khu thiết chế văn hóa của các làng văn hóa kiểu mẫu vào hoạt động. Đây là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tại Hội nghị thông tin, trao đổi và định hướng báo chí tuyên truyền về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu" diễn ra ngày 21/9, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.

Theo ông Bùi Huy Vĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Sau gần 9 tháng triển khai, tính đến ngày 20/9, tỉnh đã tổ chức khánh thành 6/28 khu thiết chế văn hóa, thể thao của làng văn hóa kiểu mẫu, góp phần mở ra không gian văn hóa khang trang, hiện đại với đầy đủ các công năng, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Việc triển khai thực hiện 14 tiêu chí, 16 chính sách hỗ trợ đạt nhiều kết quả, 100% huyện, thành phố đã giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế với gần 81 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 81%. Nhân dân các thôn, tổ dân phố đã đăng ký thực hiện 93 mô hình kinh doanh dịch vụ, thương mại; 22 mô hình vườn sản xuất; 8 mô hình homestay, farmstay…

Các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực trong tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu; tuyên truyền, biểu dương những cách làm hay để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia, góp phần thực hiện thành công chủ trương xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh: Những kết quả đạt được trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh mới chỉ là bước đầu. Việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, kể cả khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, các địa phương của tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là việc làm song song, nhưng không trùng lặp với công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thông qua 14 tiêu chí và 16 chính sách được triển khai đồng bộ, Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc… Cùng với đó, sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng thời cả 14 tiêu chí xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu khi hoàn thành việc xây dựng các khu thiết chế văn hóa, thể thao. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí, các mô hình phát triển kinh tế- xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội... Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh và Trung ương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc...

Trong 9 tháng triển khai xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, nhiều người dân Vĩnh Phúc đã tự nguyện hiến đất để xây dựng mới, mở rộng các công trình, bà con cũng đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động tham gia vào xây dựng thiết chế văn hóa, chính trang đường làng, ngõ xóm và trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường…. Điển hình như tại huyện Lập Thạch, người dân đã hiến 2,6 ha đất để xây dựng các khu thiết chế văn hóa thể thao, hiến 3.000m2 để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Làng Thụ Ích, xã Liên Châu (Yên Lạc) nhân dân đã hiến trên 5.000m2 đất để mở rộng khuôn viên của làng. Tại làng Man Để, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) nhân dân hiến 5.660 m2 để xây dựng khu thiết chế văn hóa thể thao.

Vĩnh Phúc xác định đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành. Các đặc trưng cơ bản của làng văn hóa kiểu mẫu là: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.../.


Nguyễn Trọng Lịch

Xem thêm