"Siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng: NCB, PVcomBank và VietABank.
TTXVN - Trong vụ án “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng (NCB, PVcomBank và VietABank), đại diện cả 3 ngân hàng này đều đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi tư cách tham gia phiên tòa của ngân hàng.
Viện Kiểm sát phản đối ngân hàng giữ lại sổ tiết kiệm
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm về việc xử lý dân sự, bồi thường thiệt hại và hướng xử lý các sổ tiết kiệm của các chủ sổ tiết kiệm trong vụ án. Các ngân hàng được xác định là bị hại trong vụ án, do đó thiệt hại sẽ do bị cáo Hà Thành bồi thường cho các ngân hàng (249 tỷ đồng cho VietABank, 47,5 tỷ đồng cho NCB và 49,4 tỷ đồng cho PVcomBank). Bên cạnh đó, ba ngân hàng phải trả lại tiền cho các chủ sổ tiết kiệm.
Không đồng tình với quan điểm này, ba ngân hàng sau đó đồng loạt đưa ra phân tích và đề nghị Tòa giải quyết theo hướng có lợi cho mình.
Theo đó, các ngân hàng đề nghị Tòa xác định ngân hàng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không phải nguyên đơn dân sự - bên chịu thiệt hại trong vụ án này. Đại diện các ngân hàng lập luận, bị cáo Hà Thành vay tiền, trả lãi với các chủ sổ tiết kiệm bên ngoài lãi ngân hàng, dựa trên số tiền gốc trong sổ tiết kiệm. Như vậy, Thành phải có trách nhiệm trả lại số tiền của các chủ sổ tiết kiệm.
Cả ba ngân hàng đều cho rằng, quan hệ giữa bị cáo Thành và các chủ sổ tiết kiệm là quan hệ vay tiền, hứa hẹn trả lãi cao và các ngân hàng chỉ là "công cụ đảm bảo", "công cụ tài chính" để rút tiền vay từ những khách hàng này. Các bước gửi tiền, lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng là "giả tạo", phục vụ cho việc lừa đảo. Ngân hàng chỉ là nơi trung chuyển khoản tiền.
Các ngân hàng cho rằng họ không phải bị hại, họ không bị thiệt hại do các khoản vay của Thành đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Các đồng sở hữu đồng ý cho Thành dùng tiết kiệm để Thành xào xáo, câu kết với các cán bộ ngân hàng có chức năng phê duyệt cao nhất để vay tiền, đó là tiền của họ, không phải của ngân hàng.
Do vậy, cả ba ngân hàng đều đề nghị giữ lại các sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, song bị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa phản bác.
Đối đáp lại các quan điểm của đại diện ngân hàng, công tố viên khẳng định, không thay đổi quan điểm về tư cách tố tụng của ba ngân hàng và cho rằng các phân tích của ba ngân hàng là "suy luận thiếu logic". Các ngân hàng là bị hại trong vụ án, Hà Thành phải có trách nhiệm trả tiền cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải có trách nhiệm trả tiền cho các chủ sổ tiết kiệm.
Việc đánh đồng số tiền các đại gia gửi vào sổ tiết kiệm với số tiền Hà Thành vay ngân hàng là vô căn cứ, vì đó rõ ràng là hai nguồn tiền khác nhau. Thành làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm.
Về các khoản vay của Thành, các ngân hàng cho rằng đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm Hà Thành đồng sở hữu với các đại gia. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát xác định, các chủ sổ tiết kiệm đều không biết và không đồng ý cầm cố các sổ này. Vấn đề đã được thể hiển rõ qua lời khai của Thành và các kết luận giám định của cơ quan điều tra, cho thấy các chữ ký trên các hợp đồng cầm cố đều là do Thành giả chữ ký đồng sở hữu. Do đó, các sổ tiết kiệm này không thể coi là tài sản đảm bảo hợp pháp.
Mặt khác, việc VietABank tự ý tất toán các sổ tiết kiệm này là không có căn cứ. Từ tháng 12/2019, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được tự ý tất toán các khoản tiền liên quan vụ án hình sự mà cơ quan điều tra đang giải quyết, thụ lý. Song VietABank vẫn tự ý tất toán là không tuân thủ các quyết định của cơ quan điều tra.
Quyền lợi của khách hàng gửi tiền
Trong phần đối đáp, công tố viên nêu quan điểm: "Các ngân hàng bảo vệ quyền lợi cho mình. Song với người dân, khi gửi tiết kiệm, tài sản 500 triệu hay một tỷ đồng đã là rất lớn. Có những người lên đến 122 tỷ mà không lấy lại được, người ta cũng xót lắm chứ!".
Trong vụ án này, gửi nhiều tiền nhất là hai vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang. Quá trình diễn ra phiên tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn nhiều lần yêu cầu Tòa án buộc 3 ngân hàng phải trả lại số tiền 122 tỷ đồng gửi tiết kiệm. Theo ông Toàn, tiền gửi vào ngân hàng đúng quy trình, đúng sự hướng dẫn của nhân viên tại quầy… nên Ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Đây là số tiền là hoàn toàn hợp pháp, đúng quy định pháp luật và không bị phong tỏa bởi cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trình bày tại phiên tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết, nếu không có sự giúp sức của nhân viên ngân hàng thì không ai có thể lấy được tiền ra, vì phải là chính chủ mới thực hiện được thủ tục này, phải có có căn cước công dân, có chữ ký của chính chủ.
Mặt khác, phía các ngân hàng cũng chưa bao giờ thông báo cho ông Toàn về các sổ tiết kiệm đang bị thế chấp. Hàng tháng ông Toàn vẫn được các ngân hàng vẫn trả lãi vào các tài khoản mà không có việc phong tỏa sổ tiết kiệm, phong tỏa tiền lãi, khiến ông nghĩ mọi việc vẫn như bình thường.
Quá trình điều tra, ông Toàn đã làm việc với các ngân hàng và nhận được cam kết bằng văn bản là sẽ trả lại tiền ngay khi có giám định chữ ký. Thậm chí, văn bản còn nêu rõ: “Ông Toàn, bà Trang là người có quyền lợi độc lập riêng nên có thể làm việc và giải quyết các công việc theo yêu cầu độc lập”. Song đến nay, các ngân hàng vẫn không trả tiền theo cam kết.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa đã xác định ông Toàn không giao dịch, không thỏa thuận vay mượn, không nhận lãi từ bị cáo Hà Thành, không ký tên trên các Hợp đồng thế chấp vay vốn…
Trên cơ sở đó, ông Toàn và nhiều người liên quan trong vụ án đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc 3 ngân hàng dừng việc phong tỏa sổ tiết kiệm và trả tiền gốc, tiền lãi cho họ theo quy định./.