PVcomBank đề nghị, Tòa xác định ngân hàng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không phải nguyên đơn dân sự - bên chịu thiệt hại trong vụ án này.
TTXVN - Trong các ngày (từ ngày 9-14/3), tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành (sinh năm 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 25 đồng phạm bị truy tố về hành vi vi phạm quy định, lừa đảo chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB).
Trong phần thẩm vấn ngày 14/3, đại diện Ngân hàng PVcomBank đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi tư cách tham gia phiên tòa của ngân hàng.
Theo đó, PVcomBank đề nghị, Tòa xác định ngân hàng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không phải nguyên đơn dân sự - bên chịu thiệt hại trong vụ án này. PVcomBank khẳng định, bị cáo Hà Thành vay tiền, trả lãi với bà Tạ Thị Thu Trang bên ngoài lãi ngân hàng, dựa trên số tiền gốc trong sổ tiết kiệm. Như vậy, Thành phải trả lại tiền vay cho bà Trang. Đối với các sổ tiết kiệm đứng tên ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Tạ Thị Thu Trang được dùng để bảo đảm cho khoản vay 49,4 tỷ đồng của Công ty Jeongho, PVcomBank đề nghị được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Ngoài ra, đối với khoản tiền lãi đã trả cho các sổ tiết kiệm đứng tên bà Trang là 4 tỷ đồng, PVcomBank cũng đề nghị Tòa yêu cầu bà Trang phải trả lại để trừ vào khoản nợ của Công ty Jeongho.
Đại diện PVcomBank cho rằng, bị cáo Hà Thành phải có trách nhiệm trả lại số tiền của ông Toàn và bà Trang. Tổng cộng, vợ chồng ông Toàn có 3 sổ tiết kiệm trị giá 52 tỷ đồng tại PVcomBank.
Trước đó, ông Đặng Nghĩa Toàn nhiều lần yêu cầu Tòa án buộc 3 ngân hàng phải trả lại số tiền 122 tỷ đồng gửi tiết kiệm. Theo ông Toàn, tiền gửi vào ngân hàng đúng quy trình, đúng sự hướng dẫn của nhân viên tại quầy… nên Ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Theo cáo buộc, Nguyễn Thị Hà Thành dùng thủ đoạn vay tiền của nhiều người dưới hình thức gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm, lừa đảo chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVcomBank 49,4 tỷ đồng, VietABank 273,9 tỷ đồng và của nhiều cá nhân khác là 63 tỷ đồng.
Quá trình làm thủ tục vay tiền, Thành và đồng phạm đã giả chữ ký, chữ viết của những người có tiền. Đồng thời, các cán bộ ngân hàng đã bỏ qua quy trình, quy định của ngân hàng, tiếp tay cho hành vi lừa dối, chiếm đoạt của Hà Thành.
Trong vụ án này có tới 10 bị cáo là nhân viên của VietABank phải ra hầu tòa với cáo buộc đã giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định gây ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Bị cáo Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Trưởng phòng Giao dịch Đông Đô), bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp, Phòng Giao dịch Đông Đô) và một số nhân viên ngân hàng khác đã giúp sức bị cáo Thành trong tất cả các khâu từ gửi tiết kiệm, thẩm định hồ sơ vay, nhận tiền giải ngân và tất toán khoản vay thuận lợi.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (Giao dịch viên Phòng Giao dịch Đông Đô) khai, đối tượng làm theo chỉ đạo của cấp trên nên đã không đến gặp khách hàng, chủ tài sản trong quá trình thực hiện các thủ tục cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm. Bị cáo Nhung trình bày, mỗi khi Thành đến ngân hàng đều làm việc trong phòng họp. Quản Trọng Đức yêu cầu phòng giao dịch phải có trách nhiệm hỗ trợ Thành. Nhung khai nhiều lần yêu cầu Thành ra quầy giao dịch ký trực tiếp theo đúng quy định của ngân hàng, nhưng đã bị Đức mắng, bảo là cứng nhắc. Vì thế, do tin tưởng nên Nhung chỉ so chữ ký trên các giấy tờ giống nhau rồi tiến hành làm thủ tục.
Hầu hết nhóm bị cáo của VietABank đều nhận thức bản thân không làm tròn trách nhiệm, thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, xin tòa xem xét do thực hiện hành vi khi bị cấp trên gây áp lực và bản thân không được hưởng lợi.
Dự kiến, phiên tòa tiếp tục diễn ra trong 10 ngày tới./.