Thị xã Ngã Năm giờ đây được xem là cửa ngõ phía Tây của tỉnh, giáp hai tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) với hạ tầng đầu tư đồng bộ và là đô thị trẻ đầy tiềm năng với khát vọng phát triển.
Ngã Năm là một thị xã nằm ở phía Tây của tỉnh Sóc Trăng. Trong kháng chiến, nơi đây được xem là vùng đất anh hùng, cái nôi của các phong trào cách mạng ở Sóc Trăng. Sau 50 năm đất nước thống, vùng đất trũng phèn, hoang vu những ngày đầu giải phóng đã phát triển nhanh chóng, diện mạo thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên.
*Vùng căn cứ cách mạng chuyển mình
Cách thành phố Sóc Trăng gần 80km, Miếu bà Chúa xứ ở ấp Mỹ Đông 1 (xã Mỹ Quới) được xem là địa chỉ đỏ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Nơi đây chính là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng vào năm 1930.
Trò truyện với phóng viên, ông Bùi Văn Hộ (gần 90 tuổi), nguyên Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạnh Trị cho biết, những năm 1930, ông Quản Trọng Hoàng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam về làng Mỹ Quới, quận Phước Long (nay là ấp Mỹ Đông 1, xã Mỹ Quới) đã tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin cho thanh niên nơi đây và kết nạp Đảng cho các ông Châu Văn Phát, Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Chu, Trương Quý Thể, Trần Văn Tám,… Trên cơ sở đó, Chi bộ Đảng làng Mỹ Quới - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được thành lập vào tháng 6/1930.
Ông Bùi Văn Hộ cho biết thêm, giai đoạn 1960-1975, Miếu bà Chúa xứ là căn cứ địa cách mạng của Huyện ủy Thạnh Trị và một số ban, ngành của tỉnh Sóc Trăng. Từ nơi này, Huyện ủy Thạnh Trị đã trực tiếp chỉ đạo dân quân du kích nhiều lần bao vây đánh và tiêu diệt Chi khu Ngã Năm (một trong những Chi khu quan trọng nhất ở khu Tây Nam Bộ thời đó) vào năm 1968 và năm 1973.
Năm nay đã 90 tuổi, nhưng ông Trần Văn Thêm, ấp Mỹ Đông 1 (xã Mỹ Quới) vẫn nhớ rõ những năm kháng chiến gian khổ của quân và dân Mỹ Quới anh hùng. Tham gia cách mạng vào năm 1958, lúc đầu ông làm giao liên ở Huyện ủy Thạnh Trị; khi giặc càn quét, mọi người đều di chuyển đến nơi khác để hoạt động cách mạng. Từ đó, ông gia nhập Tiểu đoàn Phú Lợi (Sóc Trăng) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Quới Phan Lùng Pha cho biết, toàn xã có hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến và hơn 200 gia đình chính sách. Những năm qua, việc thăm hỏi, thực hiện các chế độ chính sách luôn kịp thời theo quy định. Các lão thành cách mạng, hộ gia đình chính sách ở địa phương luôn là tấm gương truyền đạt tinh thần cách mạng cho con cháu noi theo để tiếp tục phấn đấu học tập, lao động sản xuất góp phần xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, vững mạnh.
Theo ông Trần Văn Thêm, những năm đầu khi đất nước thống nhất, cuộc sống người dân vùng đất anh hùng Mỹ Quới còn nhiều khó khăn, không đường, không điện, không trạm y tế và trường học… Sau 50 năm xây dựng và phát triển quê hương, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kéo điện, xây dựng trạm y tế, trường học… phục vụ đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, các lớp khoa học kỹ thuật sản xuất lúa, chăn nuôi, trồng rau màu… được chuyển giao giúp bà con dần làm quen với khoa học và kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Khởi sắc nhất là vào những năm 1992 trở lại đây, tốc độ phát triển của địa phương khá nhanh, từ sản xuất lúa mùa (1 vụ) giống lúa thường, đến nay sản xuất 2 vụ lúa với các nhóm giống lúa đặc sản chất lượng cao…, đem lại năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Mã Thanh Sơn (ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới) chia sẻ, gia đình có 3 thành viên, ít đất sản xuất nên đời sống lúc trước còn nhiều khó khăn. Trong gần 10 năm trở lại đây, Nhà nước mở lớp đào tạo nghề đan lục bình nên cả gia đình đều có việc làm ổn định; cộng với việc sản xuất 6.000 mét vuông lúa chất lượng cao, nên trung bình mỗi năm, ông thu nhập trên 150 triệu đồng. Cuộc sống nhờ đó dư giả hơn, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Quới Phan Lùn Pha thông tin, hiện nay, thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp, đạt 171 triệu đồng/năm. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp luôn được đầu tư, hệ thống kênh mương và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân được quan tâm thực hiện. Xã đã chủ động đưa các loại giống lúa thơm, lúa đặc sản và các loại cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,57% dân số.
* Đô thị trẻ tiềm năng với khát vọng phát triển
Vài chục năm trước, nhắc đến vùng đất Ngã Năm nhiều người nghĩ đến vùng đất hoang vu, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh… Giờ đây, thị xã Ngã Năm được xem là cửa ngõ phía Tây của tỉnh, giáp hai tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu và huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) với hạ tầng đầu tư đồng bộ và là đô thị trẻ đầy tiềm năng với khát vọng phát triển.
Ông Huỳnh Thanh Hùng, cán bộ lão thành cách mạng Phường 1 (thị xã Ngã Năm) cho biết, những ngày đầu khi mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thị xã Ngã Năm chỉ là một thị trấn nhỏ, dân cư thưa thớt, người dân di chuyển chủ yếu bằng xuồng ghe… điều kiện y tế, giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Hùng kể lại: “Ngày trước mình muốn đi từ thị trấn Ngã Năm về Cần Thơ thì mất cả ngày vì phải đi ghe qua thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) rồi mới bắt xe đò lên Cần Thơ”.
Còn ông Phạm Văn Bé (khóm Tân Thành A, Phường 2) chia sẻ: “50 năm trước khi mới giải phóng miền Nam, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, không có điện sử dụng, điều kiện tiếp cận thông tin của người dân khá thấp, có khi cả xóm chỉ có một tivi (trắng đen) sử dụng bình ắc quy để phát xem tin tức... Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất khó khăn lắm, còn nhiều hạn chế”.
Ông Phạm Văn Bé cho hay, sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với sự phát triển vượt bật của đất nước, vùng quê anh hùng Ngã Năm cũng vươn mình phát triển. Hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế được đầu tư đồng bộ, người dân được tiếp cận nhanh chóng những thông tin về mua bán, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp qua mạng Internet. Đến nay, đường bê tông nối ấp, khóm liền nhau, xe ô tô về tới trung tâm các xã, phường…; đặc biệt thị xã có tuyến Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau và Quốc lộ 61B giao nhau nên người dân rất thuận tiện trong giao thương hàng hóa.
Điều tâm đắc nhất với ông Phạm Văn Bé là việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết các thủ tục hành chính, dữ liệu dân cư, giúp giảm đi rất nhiều thời gian, chi phí cho người dân. Nhờ chuyển đổi số, người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng qua các nhóm Zalo cộng đồng ở khóm, từ đó có giải pháp phù hợp trong sản xuất.
Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong thông tin, nhờ sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, những năm qua thị xã Ngã Năm phát triển khá nổi bật, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm ở mức 13,38%, thu nhập bình quân đầu người gần 75 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,7% dân số, là đơn vị dẫn đầu tỉnh về sản xuất lúa đặc sản....
Gần 20 năm trở lại đây, thị xã được đầu tư và huy động trên 3.492 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm. Các tuyến đường như Quản Lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, Quốc lộ 61B (từ tỉnh Hậu Giang kết nối với Quốc lộ 1), tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây (kết nối thị xã Ngã Năm - thị xã Vĩnh Châu) và tỉnh lộ 938 liên kết các huyện trên địa bàn tỉnh giúp giao thông thuận lợi, giao thương phát triển, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc với nhiều dự án tiềm năng, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Kim Thái Phong, thời gian tới, thị xã tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, cải tạo chỉnh trang, mở rộng các khu dân cư hiện hữu và xây dựng khu dân cư mới nhằm thu hút nguồn đầu tư cho việc phát triển đô thị đi kèm với chính sách nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Địa phương kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61B, tuyến Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau để tăng khả năng kết nối vùng lân cận; kiến nghị tỉnh đầu tư hoàn thiện các trục đường huyện, đường tỉnh, đường đô thị theo quy hoạch chung đô thị; tăng cường xúc tiến đầu tư vào Cụm công nghiệp Ngã Năm, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư tại địa phường, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để Ngã Năm trở thành vùng kinh tế trọng điểm trong thời gian tới./.