Với sự đồng lòng từ chính quyền đến nhân dân, những căn nhà mới đang dần hình thành nơi bản xa. Những mái tôn xanh giữa đại ngàn sẽ không chỉ là nơi che mưa nắng, mà còn là biểu tượng của sự nỗ lực vượt khó, của niềm tin và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn nơi biên cương Tổ quốc.
Giữa mùa mưa Tây Bắc, khi những con suối dâng cao, chảy xiết, đường sá sạt lở, trơn trượt, việc vận chuyển vật liệu xây dựng trở thành thách thức không nhỏ với chính quyền và người dân xã biên giới Nậm Kè (tỉnh Điện Biên). Nhưng vượt lên tất cả, cán bộ và nhân dân nơi đây vẫn kiên cường bám bản, bám dân, đưa từng tấm tôn, từng thanh thép bằng bè tre tự chế qua suối dữ, dựng lên mái nhà kiên cố cho các hộ nghèo.
Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại xã Nậm Kè, một trong những xã biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên. Cơn mưa rừng dai dẳng kéo dài nhiều ngày khiến con suối Nậm Chà chuyển màu đục ngàu, chảy xiết. Trên dòng nước ấy, một chiếc bè tre mỏng manh đang chở những tấm tôn và sắt thép nặng nề, nhích từng chút một sang bờ bên kia. Người đàn ông đứng đầu mũi, hai tay bám chặt sợi dây kéo nối hai bờ, gò lưng, rướn người, từng bước vượt dòng nước đầy hiểm nguy.
Đó là cách duy nhất để vận chuyển vật liệu xây dựng vào bản Tàng Phon, nơi cách trung tâm xã khoảng 20km, chưa có cầu cứng, chưa có đường nhựa. Mùa khô, bà con chung nhau làm cầu tạm để đi lại. Nhưng đến mùa mưa, nước lớn, chỉ còn cách dùng bè tre để vượt suối.
Ông Ma A Trung, Trưởng bản Tàng Phon chia sẻ. “Cả bản có 23 hộ với hơn 150 nhân khẩu. Năm nay, bản có một số hộ được hỗ trợ làm nhà theo các chương trình của Nhà nước, nên chúng tôi phải cố gắng đưa vật liệu về bằng mọi cách”.
Tuy nhiên, vượt suối mới chỉ là chặng đầu của hành trình gian khó. Sau khi đưa vật liệu qua suối, người dân phải gùi, khiêng từng tấm tôn, từng thanh sắt băng qua đoạn đường gần 2km, trơn trượt, gồ ghề do sạt lở. Lúc thì chênh vênh men theo triền dốc, khi lại lội bùn ngập mắt cá chân. Trên tuyến đường đất dẫn vào bản, nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng. Những tảng đá to nằm chắn giữa đường, cây cối đổ ngổn ngang. Người dân giúp nhau khiêng từng tấm tôn, thanh sắt, chiến sĩ quân đội cùng dân bản bê vác vật liệu. Có cán bộ xã còn lội bộ cả ngày để đến tận hiện trường hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra tiến độ.Những đôi dép nhựa rách bươm, vai trĩu nặng bởi thanh sắt dài hay bó kèo kẽm, từng bước đi trở nên nhọc nhằn giữa lớp bùn nhão nhoẹt và những vết nứt lở bên sườn đồi.
Ông Vũ Đức Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết: Toàn xã có 21 bản thì cũng như Tàng Phon, nhiều bản đều rơi vào tình cảnh tương tự. Địa hình hiểm trở, mưa lũ gây chia cắt, nhưng chính quyền địa phương xác định không để khó khăn làm chậm tiến độ chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Xã đã cử cán bộ vào tận nơi để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động và trực tiếp hỗ trợ nhân dân.
Theo ông Thiệp, hiện xã đã hoàn tất công tác khảo sát, chờ thời tiết thuận lợi sẽ huy động máy móc, phương tiện vào san gạt lại mặt đường, hỗ trợ đưa cát, xi măng và các vật liệu thiết yếu vào bản. Ngoài nguồn lực tại chỗ, địa phương cũng đang phối hợp với các đơn vị vũ trang, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, tổ chức các đợt ra quân giúp dân dựng nhà.
Với sự đồng lòng từ chính quyền đến nhân dân, những căn nhà mới đang dần hình thành nơi bản xa. Những mái tôn xanh giữa đại ngàn sẽ không chỉ là nơi che mưa nắng, mà còn là biểu tượng của sự nỗ lực vượt khó, của niềm tin và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn nơi biên cương Tổ quốc.