Hội thảo đề xuất những luận cứ khoa học và các kiến nghị góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Ngày 11/9, Hội Công chứng viên Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia”. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà thực hành pháp luật trao đổi về các quy định của pháp luật điều chỉnh thông tin doanh nghiệp, vai trò của các tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực các văn kiện pháp lý về doanh nghiệp và các nội dung có liên quan, từ đó đề xuất những luận cứ khoa học và các kiến nghị góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thực tế hiện nay, một số thông tin doanh nghiệp ở Việt Nam đã có cơ chế đảm bảo tính xác thực mặc dù không cần có sự tham gia của công chứng như những thông tin được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu bổ sung thêm công chứng xác thực thông tin doanh nghiệp trong Luật và đặc biệt là trong Luật Công chứng đang được sửa đổi, cần lưu ý về chính sách vì hiện nay gợi ý luật hóa công chứng thông tin doanh nghiệp nhằm hạn chế “công ty ma”; xây dựng pháp luật là phục vụ cho đất nước, xã hội không vì lợi ích nhóm.
“Về nội dung, nếu luật hóa công chứng thông tin doanh nghiệp, cần xác định thông tin nào cần phải công chứng (điều lệ công ty, nghị quyết...), thông tin nào có thể yêu cầu công chứng theo nhu cầu của chủ thể liên quan (công chứng tự nguyện). Hơn nữa, doanh nghiệp biến động nhanh nên thông tin doanh nghiệp cũng cần cập nhật liên tục; do đó cần lưu ý tới hệ quả của việc đã công chứng rồi mà nay phải cập nhật thì như thế nào", Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Đại chia sẻ.
Xét về sự cần thiết việc công chứng Điều lệ công ty, Tiến sỹ Ninh Thị Hiền, Trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền cho rằng, bản chất của Điều lệ công ty là một hợp đồng đặc biệt liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào hoạt động của công ty, là căn cứ để các bên thực hiện quyền thành viên và quyền cổ đông... Do vậy, việc công chứng Điều lệ công ty nếu được thực hiện sẽ đem đến những hiệu quả nhất định, gia tăng việc bảo đảm về minh bạch thông tin doanh nghiệp, khắc phục phần nào những tồn tại bất cập trong thị trường trong thời gian vừa qua...
“Hiện nay, công chứng Điều lệ chưa được quy định trong Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư nên nếu người yêu cầu công chứng tự nguyện yêu cầu thì thủ tục công chứng có nhiều đặc thù và chưa có sẵn để công chứng viên và người yêu cầu công chứng thực hiện. Vì vậy, khi tiến hành sửa đổi bổ sung các luật trên nội dung “Điều lệ công ty được công chứng” nên được bổ sung vào”, Tiến sỹ Ninh Thị Hiền chia sẻ.
Từ thực tiễn xét xử, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về các vụ án về tranh chấp kinh doanh thương mại và vụ án hình sự liên quan đến tội phạm kinh tế gia tăng sau đại dịch COVID-19 dẫn đến thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về uy tín Việt Nam trên thương trường thế giới. Do vậy, hệ thống pháp luật của Việt Nam cần tăng cường tính xác thực, minh bạch của doanh nghiệp và cần có trình tự thủ tục cho cơ quan công chứng để dễ dàng thực hiện.
Từ kinh nghiệm các quốc gia và qua phân tích về quy định hiện hành tại Việt Nam, Tiến sỹ Phan Hoài Nam, Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra kiến nghị về việc bổ sung quy định yêu cầu công chứng bắt buộc đối với hồ sơ doanh nghiệp và cho phép công chứng điện tử với một số hồ sơ doanh nghiệp nhằm một mặt vẫn đảm bảo tính xác thực hồ sơ nhưng vẫn đảm bảo xu hướng số hóa thủ tục hành chính.
Song song đó, Luật Công chứng 2014 hiện đang có dự thảo sửa đổi, Tiến sỹ Phan Hoài khuyến nghị bổ sung thêm quyền hạn của công chứng viên đối với các loại tài liệu cần công chứng đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp từ khi thành lập doanh nghiệp đến những tài liệu nội bộ trong quá trình hoạt động. Điển hình như các loại hợp đồng, giao dịch, hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ công ty, các biên bản họp Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông... là trường hợp cần công chứng trong dự thảo Luật.
Tại hội thảo, các nhà khoa học và chuyên gia pháp lý đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến việc xác thực biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến, công khai thông tin doanh nghiệp, phạm vi công chứng, dịch vụ tin cậy. Nhiều đại biểu cũng đã chia sẻ những vấn đề liên quan thông tin doanh nghiệp và xác thực thông tin doanh nghiệp; cơ chế đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ doanh nghiệp thông qua hoạt động công chứng - kinh nghiệm một số quốc gia châu Âu và gợi mở cho Việt Nam.../.