UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, địa phương tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức.
TTXVN - Thiếu nước ngọt là điều khiến người dân Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng trong thời gian hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài. Chính vì vậy, nhu cầu “giải khát” cho vườn tược, “giải nhiệt” cho người dân đang được đặt lên hàng đầu.
* Dùng mọi điều kiện trữ nước
Diễn biến xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài trong mùa khô 2024 vẫn còn diễn ra khốc liệt cho đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2024. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phát động phong trào trữ nước mưa, tích nước từ các hệ thống sông vào kênh mương nội đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với xâm nhập mặn.
Để hỗ trợ người dân có nguồn nước phục vụ sản xuất, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh, địa phương tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức. Có thể kể đến việc tận dụng dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trải bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đắp đập cục bộ từng khu vực và nhiều biện pháp khác để đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường. Đồng thời, Bến Tre ban hành hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong điều kiện hạn mặn. Các đơn vị nông nghiệp cũng hướng dẫn nông dân đổi lịch thời vụ trước 1 tháng để né mặn, an toàn trong sản xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam thông tin, toàn tỉnh có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, tổng công suất 10.500 m3/giờ (khoảng 250.000 m3/ngày đêm), chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước (có lịch vận hành, thông báo đến người dân về lịch cấp nước); vận hành linh hoạt các phương án cấp nước (đắp đập tạm ngăn mặn tại khu vực lấy nước, chuyển nước từ nhà máy nước có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, vận chuyển nước bằng sà lan, cấp nước ngọt/độ mặn thấp theo khung giờ...).
Điển hình như tại huyện Ba Tri, UBND huyện đã tranh thủ mọi nguồn lực nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; duy tu, sửa chữa các cống lấy nước..., đảm bảo thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hay tại huyện Chợ Lách đã trữ nước theo các hệ thống thủy lợi toàn huyện và kênh mương nội đồng của từng ấp, xã để phục vụ sản xuất.
Sau Tết Nguyên đán 2024, độ mặn ở Tiền Giang đã tăng cao và lấn sâu vào khu vực nội đồng. Các cống đã đóng ngăn mặn, riêng cống Xuân Hòa vận hành lấy nước ngọt bổ cấp vào nội đồng khi độ mặn bên ngoài giảm về gần 0‰; mực nước nội đồng trên kênh trục dao động từ +0,37 đến +0,39 m. Vùng dự án Phú Thạnh-Phú Đông, các cống đóng ngăn mặn từ ngày 20/11/2023, mực nước nội đồng trên kênh trục dao động từ -0,18 đến -0,17 m. Vùng dự án Bảo Định, cống Gò Cát, Bảo Định, Xoài Hột đóng ngăn mặn; mực nước nội đồng trên kênh trục dao động từ +0,40 đến +0,48 m - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ.
Ngay từ giữa năm 2023, UBND tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động tích trữ nước trên mương, vườn, ao, líp, các mô hình đã áp dụng trong thời gian qua. Đơn vị chức năng hướng dẫn người dân tưới tưới nhỏ giọt, phun sương tiết kiệm nước nhưng vẫn đảm bảo độ ẩm cho cây; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật ứng phó trước, trong và sau mùa khô.
Tỉnh nhân rộng những mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả; tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước...; theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn, xâm nhập mặn để kịp thời thời ứng phó, sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích...
* Chia sẻ nước cho người khó khăn
Đến với vùng đất Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nơi chịu tác động của hạn hán và xâm nhập mặn, nhiều người đều biết và nói về cụ bà 82 tuổi chia sẻ nước ngọt cho người khó khăn, thiếu điều kiện trữ nước để cùng nhau đi qua giai đoạn này.
Được cán bộ phụ nữ xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, đưa đến nhà bà Phan Thị Luận, người tự đầu tư các bồn chứa nước để trữ nước mưa, nhóm phóng viên chúng tôi tận mắt thấy sân rộng đặt 10 bồn nước chứa 50 m3 nước mưa, chủ yếu để giúp người khó khăn thiếu nước ngọt trong giai đoạn hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.
Bà đã thực hiện việc làm nghĩa tình này từ 9 năm nay. Hồi huyện Ba Tri đón cơn hạn mặn khốc liệt chưa từng có vào năm 2015 -2016, toàn bộ các cánh đồng mất trắng, không thu hoạch được, kênh mương khô cạn, đất đai nứt nẻ, người dân không có nước ngọt để ăn uống hàng ngày. Khi ấy bà Luận có nhiều bồn chứa nước nhất trong xã Phú Lễ, nên đã trữ được một lượng nước mưa khá lớn nên đã tặng nước cho người dân, với lượng nước 20 lít/hộ để nấu ăn và uống. Nhận thấy số bồn chứa không đủ nên sau mùa hạn, xâm nhập mặn 2016, bà Luận mua 10 bồn chứa dung tích 5 m3/bồn và tự lắp hệ thống thu gom nước mưa để chia sẻ cho người xung quanh vào giai đoạn mặn xâm sâu và kéo dài.
Bà Phan Thị Năm, một người dân xã Phú Lễ cho biết, bà Luận sống một mình. Người con trai có điều kiện kinh tế, thấy bà Luận có mong muốn giúp mọi người nên đã hỗ trợ giúp bà thực hiện. Trong xã có khoảng 50- 60 hộ thường được bà Luận chia sẻ nước. Các hộ này được xoay vòng chia sẻ nước ngọt, khi hết nước, họ có thể mang thùng đến nhà bà lấy.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, địa phương là nơi hứng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016. Nhưng trong cái khó vẫn có những con người giàu nghĩa tình, chia ngọt sẻ bùi với cộng đồng. Trong đó phải kể đến bà Nguyễn Thị Hưởn, 81 tuổi, ở thành phố Bến Tre.
Bà Nguyễn Thị Hưởn cho biết, cách đây hơn 20 năm, gia đình bà đào giếng tầng nông với độ sâu khoảng 8 m để lấy nước ngọt. Nhiều hộ xung quanh cũng đào giếng nhưng chỉ có nhà bà trúng mạch ngầm nên có nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm phèn, mặn. Từ mùa khô năm 2016, khi nước mặn xâm nhập khốc liệt, bà đã cung ứng miễn phí nước ngọt cho người dân. Thật vui mừng là đã có thêm một tấm lòng nhân ái, giúp đỡ kinh phí, hỗ trợ bà mua 2 bồn nhựa chứa được 1.000 lít/bồn để người cần lấy nước rút ngắn thời gian đợi chờ. Mỗi ngày, giếng hộc của bà Hưởn lấy được gần 50 m3 nước ngọt. Bà cùng 2 người con trai hỗ trợ người dân Bến Tre đi qua nhiều mùa hạn, mặn, kể cả năm khốc liệt 2020, khi nguồn nước tại các nhà máy của thành phố bị nhiễm mặn lên 3%, thì giếng hộc nhà bà vẫn ngọt. Trong mùa hạn mặn năm nay, bà Hưởn vẫn luôn đồng hành cùng người dân khó khăn, thiếu dụng cụ trữ nước, cung cấp nước ngọt cho họ. Thậm chí những người già yếu không thể đến lấy, đều được con trai bà trực tiếp chuyển nước đến tận nhà./.
- Từ khóa:
- Xâm nhập mặn
- Đồng bằng sông Cửu Long
- trữ nước