Văn hóa

Xây dựng Đô thị di sản mang linh hồn "Văn hóa Tràng An": Hiện thực hóa khát vọng phát triển

Ninh Bình

Với linh hồn là "Văn hóa Tràng An", tỉnh Ninh Bình hướng tới, Hoa Lư sẽ là đô thị loại I, đến năm 2035 sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương.

Một góc thành phố Ninh Bình hiện nay. 
Ảnh: Đức Phương -TTXVN

"Đô thị di sản thiên niên kỷ" là tên gọi ấn tượng của Hoa Lư, thành phố thủ phủ của Ninh Bình tới đây theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với linh hồn là "Văn hóa Tràng An", tỉnh Ninh Bình hướng tới, Hoa Lư sẽ là đô thị loại I, đến năm 2035 sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa Ninh Bình vững bước xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ vừa bảo tồn các giá trị bền vững của di sản, vừa mang tính văn minh, hiện đại.

* Hiện thực hóa Đô thị di sản thiên niên kỷ

Ngày 28/5, tỉnh Ninh Bình tổ chức Công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quan điểm phát triển, Ninh Bình kiên định theo hướng "xanh, bền vững và hài hòa", lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại làm động lực, coi trọng phát triển văn hóa, tăng cường liên kết vùng và mở rộng hợp tác quốc tế. Quy hoạch xác định "3 nền tảng", "4 trụ cột" phát triển kinh tế và "7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá". Trong đó, nền tảng quan trọng nhất là giá trị văn hóa - con người - thiên nhiên, tinh hoa văn hóa Cố đô.

Về không gian phát triển, xác định 3 vùng chức năng, với vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển là thành phố Hoa Lư (trên cơ sở hợp nhất thành phố Ninh Bình với huyện Hoa Lư hiện nay) và thành phố Tam Điệp. Về quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, tỉnh định hướng 7 đô thị trung tâm gồm: 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Đối với khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với xây dựng đô thị di sản.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho biết, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là cơ hội để tổ chức lại xã hội nông thôn và đô thị, nhất là tìm lại vị thế, giá trị di sản Cố đô Hoa Lư trong xã hội hiện đại. Đó chính là xây dựng đô thị Hoa Lư - Ninh Bình với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Trước những thách thức của đô thị nén, đô thị bê tông hóa, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho rằng di sản văn hóa là nhân tố cốt lõi trong kế thừa, phát huy, xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Con người là trung tâm của quản lý phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ, tập trung ở cốt cách văn hóa, lối sống thị dân. Ninh Bình cần một chiến lược xây dựng hệ giá trị văn hóa, phẩm cách con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, làm cho "gen văn hóa" Tràng An còn ở dạng tiềm ẩn được khơi dậy, phát huy, phục vụ hiệu quả cho thực hiện khát vọng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ chỉ được hiện thực hóa khi có sự chung sức, đồng lòng của toàn dân làm cho mỗi người dân tỉnh Ninh Bình luôn tự hào về giá trị di sản được các thế hệ tiền nhân trao truyền, tự tin vững bước đi tới tương lai bằng nguồn lực, sức mạnh nội sinh, bản lĩnh văn hóa được xây dựng bồi đắp, hun đúc suốt chiều dài lịch sử.

* Đồng bộ các giải pháp

Hội thảo khoa học quốc tế “Phát huy vai trò, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới”.
Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học lấy ý kiến các chuyên gia như: Hội thảo khoa học quốc tế giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội nhìn từ quản trị vùng và địa phương; Hội thảo khoa học phát huy văn hóa, lối sống Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ... Từ đó, tỉnh Ninh Bình đã nhận được những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chiều sâu nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn, đặc biệt là gợi mở cho Ninh Bình hàm ý về xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách đủ mạnh trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ nhằm phát huy giá trị di sản thành tài sản, sản phẩm công nghiệp văn hóa trong xã hội đương đại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả thành phố di sản thế giới và thành phố sáng tạo là hướng đi đúng đắn của tỉnh Ninh Bình trong các chiến lược phát triển đột phá. Để xây dựng nội hàm và không gian, biểu tượng, hình ảnh cho đô thị này với các giá trị mới, để phát triển thông minh và bền vững, cần đi từ tư duy lý luận và thực tiễn, khung hành động và các chiến lược động lực; thiết lập hạ tầng phát triển cho kinh tế di sản và kinh tế sáng tạo; đổi mới hệ sinh thái phát triển, thiết lập các chuỗi dịch vụ giá trị gia tăng cao.

Đề xuất về mô hình phát triển không gian đô thị di sản cho tỉnh Ninh Bình, theo Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Tuân (Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Phương Đông), Ninh Bình nên chú trọng phát triển đô thị theo hướng xây dựng các thành phố sáng tạo nghệ thuật, đô thị du lịch gắn với di sản văn hóa với tầm nhìn về một Đô thị thiên niên kỷ, gắn với di sản nghìn năm mà thiên nhiên và ông cha ta đã trao truyền lại. Việc thiết kế và lựa chọn các mô hình phát triển, xây dựng đô thị thân thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa, bảo tồn, gìn giữ bền vững di sản, phát huy nền kinh tế đặc sắc gắn với năng lực phát triển văn hóa sáng tạo… là hướng đi thích hợp, để những giá trị tốt đẹp đã có sẽ được lưu truyền đến các thế hệ mai sau.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia nhà quản lý, khoa học cho rằng, với mục tiêu, định hướng và khát vọng phát triển, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần một tầm nhìn mới, vị thế mới, một hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình để giải phóng, phát huy được hết các giá trị bản sắc địa phương, trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng được những yếu tố mang tính thời cơ của bối cảnh mới mang lại. Chính vì thế, Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, vượt trội để đảm đương được sứ mệnh to lớn trong gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, di sản nhân loại. Đồng thời, tạo động lực để tỉnh có thêm cơ hội phát huy nội lực và huy động nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là đô thị đặc thù về giá trị di sản./. (Hết)


Hải Yến

Tin liên quan

Xem thêm