Xây dựng Đảng

Xây dựng đội ngũ trí thức phải tiến hành đồng bộ với cuộc cách mạng chuyển đổi mô hình kinh tế

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng thống nhất với dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức, nhất trí tầm quan trọng của việc ban hành một Nghị quyết mới.

Quang cảnh khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII diễn ra từ ngày 2-8/10/ đã diễn ra thảo luận tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển

Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thực tế liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức ngày nay có những mối quan hệ cả về hình thức và nội dung đã có thay đổi nhất định, cần phải cập nhật. Hiện nay công nhân cũng có thể là công nhân trí thức, nông dân là nông dân thông minh. Lực lượng trí thức sẽ là tiên phong dẫn dắt đi đầu trong việc chuyển đổi lớn của nền kinh tế và dẫn dắt trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật. Nhấn mạnh lại mối quan hệ này để phát huy trong thời đại sắp tới, phải xây dựng đội ngũ trí thức tiên phong, mở đường. Xây dựng đội ngũ trí thức phải tiến hành đồng bộ cuộc cách mạng chuyển đổi mô hình kinh tế từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời đại mới phải là việc kiến tạo cho được về tinh thần, tư tưởng, phẩm chất, đặc trưng của một đội ngũ trí thức mới. Đội ngũ trí thức mới, vừa kế thừa tinh thần trí thức của dân tộc, với truyền thống “lo trước vui sau thiên hạ”, tinh thần “thiên hạ hưng vong sĩ phu hữu trách”, dấn thân gánh vác trách nhiệm với dân tộc, với nhân dân, vừa phải có tinh thần phát triển xã hội, phát triển đất nước theo lý tưởng của Đảng Cộng sản, vừa phải có những phẩm chất phù hợp với trí thức thời kỳ toàn cầu hóa.

Tại phiên thảo luận, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng chỉ rõ những hạn chế trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Đơn cử như công tác phát triển đảng trong đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được kỳ vọng. Bên cạnh đó là những hạn chế trong thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân, hiện nay có hơn 60.000 người đang làm trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ nhưng số người có trình độ Tiến sĩ chỉ khoảng 5.000. Con số này rất mỏng so với các nước trên thế giới và chủ yếu chỉ phân bổ ở các đơn vị lớn như Đại học Quốc gia, một số trường đại học trọng điểm hay Viện Hàn lâm, ở các thành phố lớn. Điều này đặt ra đối với các địa phương đặc biệt là với các vùng sâu, vùng xa sẽ khó phát triển được đội ngũ trí thức để các công việc ở địa phương...

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ, khi có chủ trương của Đảng phải kịp thời thể chế hóa để triển khai thực hiện trong thực tế. Khi chưa kịp thời thể chế hóa mà địa phương mạnh dạn làm theo nghị quyết của Đảng, thì phải tổng kết thực tiễn để cho một cơ chế báo cáo.

*Đào tạo các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Các ý kiến tại phiên thảo luận tập trung vào việc xây dựng trung tâm tích hợp về khoa học, giáo dục, văn hóa; tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, lắng nghe kiến nghị từ thực tiễn của các nhà khoa học, giới trí thức, hay chính sách về thu hút nhân tài.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh cho rằng, trong đội ngũ trí thức có một bộ phận rất quan trọng đối với các cơ quan nghiên cứu, nó mang tính quyết định cho sự thành công đấy là các trí thức đầu ngành hay gọi là các chuyên gia đầu ngành, các tổng công trình sư. Do đó đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị cân nhắc bổ sung trong phần mục tiêu dự thảo và tương ứng trong phần giải pháp thực hiện các giải pháp để phát triển lực lượng trí thức đầu ngành, các chuyên gia giỏi tâm huyết có năng lực kiến tạo tổ chức quản lý các nhiệm vụ trọng tâm cho các ngành lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Trong đó quan tâm tới điều kiện làm việc, giao nhiệm vụ và giao cho họ nhiều quyền quyết định hơn để giảm bớt các thủ tục hành chính, bố trí các điều kiện kinh phí để duy trì hoạt động, quan tâm đến chế độ tôn vinh đãi ngộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cần xác định quan điểm nhà nước phải là nguồn tài trợ chính cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Đây là loại hình nghiên cứu vốn không có ứng dụng trước mắt và có lợi ích thương mại nhưng lại góp phần quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực công nghệ của quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay mặc định nghiên cứu phải là thành công và phải ra đúng sản phẩm như đăng ký ban đầu. Việc này gây ra tâm lý, các nhà khoa học chọn những nội dung nghiên cứu dễ có khả năng đạt hiệu quả cao chứ không dấn thân vào những nội dung nghiên cứu khó có tính mới có tính sáng tạo. Do đó, bên cạnh ưu đãi về thu nhập, môi trường làm việc, điều kiện sinh sống, cần xây dựng được những đầu bài đủ lớn mang tầm quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu ý kiến đánh giá giáo dục đại học có sự tụt hậu nhất định vì vậy giáo dục đầu tư đại học phải ưu tiên. Hiện nay số lượng sinh viên học khoa học cơ bản, càng ngày càng ít đi trong khi khoa cơ bản cần những sinh viên giỏi; tiếp tục đầu tư, đào tạo nguồn sinh viên tham gia học về khoa học công nghệ; đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và công nghệ sinh học, đào tạo đội ngũ giáo viên để phát triển nền giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ mong muốn coi trọng việc xây dựng cơ chế thu hút, động viên trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là đối với những nhân tài nổi trội đầu ngành, đầu lĩnh vực trở về nước cống hiến...

Sau 15 năm thực hiện, Nghị quyết số 27-NQ/TW, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng. Tuy nhiên, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, việc ban hành một Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức là cần thiết, với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao./.

PV

Xem thêm