Giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao là một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Độ tuổi thi đấu đỉnh cao của một vận động viên thường kết thúc rất sớm, tuy nhiên việc đào tạo và hướng nghiệp cho vận động viên sau khi giải nghệ vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Do đó, cần có thêm những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung, yên tâm tập luyện, thi đấu đạt thành tích cao. Khi kết thúc sự nghiệp, vận động viên được tiếp tục phát triển sự nghiệp theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình.
* Khuyến khích các vận động viên thi đấu đạt thành tích cao
Ở thế giới hay Việt Nam, vận động viên là một nghề đặc thù. Dù tập luyện rất sớm, nhưng khả năng duy trì đỉnh cao lại không được lâu dài. Thông thường, một vận động viên thi đấu đỉnh cao được tính trung bình từ 20-30 tuổi. Tùy thuộc đặc điểm của nhóm môn thể thao với tinh thần, phương pháp tập luyện thi đấu cũng như sinh hoạt một cách chuyên nghiệp có thể sẽ kéo dài hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trong cuộc đời một vận động viên, nhiều khi phải trải qua một quá trình dài gian nan, khổ luyện mới đạt được thành tích tốt nhất, có khi là duy nhất một lần trong đời. Cái khó nhất của các vận động viên là khi giành được thành tích cao nhất hay bị thất bại ở mỗi giải đấu quan trọng có thể tiếp tục duy trì và phát triển thành tích đó hơn nữa, hay vượt qua áp lực khi bị thất bại để vươn lên. Nếu không vượt qua được chính mình, các vận động viên sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực và dễ dẫn đến tâm lý chán nản, thậm chí bỏ cuộc, hoặc có vận động viên lại tự cao, trở nên ngạo mạn.
Gợi ý về giải pháp cho vấn đề duy trì thành tích cũng như động lực cống hiến của các vận động viên, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: Ngành Thể dục, thể thao cần lựa chọn hoạch định về thể dục, thể thao, từ khâu xây dựng bộ máy tổ chức, chế độ chính sách, quản lý, khoa học, huấn luyện viên, vận động viên có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Có giải pháp hữu hiệu để nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với sự nghiệp thể dục thể thao, đẩy mạnh xã hội hóa nâng tầm cơ sở vật chất, đưa khoa học vào trong công tác. Tuyển chọn huấn luyện viên, vận động viên cần một cách làm mới là phân loại vận động viên tham dự Olympic, ASIAD, SEA Games…, qua đó đầu tư đạt hiệu quả. Rất cần có môi trường tập luyện, chế độ đãi ngộ tốt để khuyến khích các vận động viên tài năng nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao, đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội tổ chức quản lý, phục vụ huấn luyện thường xuyên từ 40-50 đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia. Ngoài ra, Trung tâm còn chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu cũng như giáo dục tư tưởng, đạo đức cho các vận động viên. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các liên đoàn, hiệp hội, các trường đại học... để đào tạo, hướng nghiệp, giúp vận động viên không chỉ giỏi về chuyên môn, còn xây dựng hành trang cho các em ở nhiều lĩnh vực như: kinh tế thể thao, văn hóa thể thao, quản lý thể thao... Để khi các em kết thúc sự nghiệp thi đấu có thể tiếp cận ngay với những nghề mới, tùy vào nguyện vọng, sở trường.
Thời gian qua, ngành Thể dục thể thao đã tích cực tìm kiếm đối tác cấp học bổng và cơ hội việc làm cho các vận động viên, như: ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Đại Nam… về đào tạo cử nhân, thạc sỹ đặc biệt cho vận động viên đạt thành tích xuất sắc; ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về việc tạo việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên thể thao có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp. Cục Thể dục thể thao cũng ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Alphanam về bảo trợ nghề nghiệp cho các vận động viên Đội tuyển thể thao quốc gia có mong muốn làm việc trong ngành du lịch - khách sạn (trong đó có cả việc làm bán thời gian trong khi vận động viên đang tập trung tập huấn)…
Về phía vận động viên người khuyết tật, Ủy ban Paralympic Việt Nam đã liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và phát triển năng lực người khuyết tật để đào tạo nghề với nhiều hình thức khác nhau thông qua đào tạo trực tuyến hoặc tại chỗ, đồng thời giới thiệu việc làm cho các vận động viên sau khi hoàn thành quá trình học tập.
* Tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên
Giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao là một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến thể thao. Chính vì vậy đã có Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục thể thao đến năm 2020” (Nghị quyết 08), trong đó tập trung về lãnh đạo công tác thể thao; sau đó Chính phủ đã có các chiến lược, đề án để tổ chức thực hiện.
Từ các quan điểm lớn nêu trên, Chính phủ đã ban hành 8 chính sách để giúp đỡ, hỗ trợ cho các vận động viên, trong đó có vận động viên thể thao thành tích cao. Các chính sách về đào tạo, ưu tiên giải quyết việc làm, chính sách về tiền thưởng trong thi đấu đã được triển khai và đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc; qua đó góp phần động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, để giải quyết được việc làm có tính chất căn cơ cho vận động viên thể thao sau khi thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn; trong đó nổi lên các vấn đề như trình độ đào tạo và nghề nghiệp của vận động viên chưa được chuyển đổi sau khi hết thời gian. Bên cạnh đó, nghề nghiệp đó cũng có thể chưa hẳn thích hợp với từng vận động viên và từng loại hình mà họ đã được rèn luyện và thi đấu.
Vì vậy, giải pháp về lâu dài là không phải tất cả các vận động viên đều được trở lại với các cơ quan để làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý mà cũng phải nhận thức rằng, tiếp tục đổi mới hơn cách tiếp cận để có thể giải quyết việc làm bằng nhiều cách khác nhau - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề cho vận động viên để sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao sẽ đáp ứng đủ điều kiện tuyển chọn vào vị trí việc làm phù hợp. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động thể thao chuyên nghiệp cho các vận động viên để đáp ứng yêu cầu về năng lực, chuyên môn làm việc trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao, các tổ chức thể thao ngoài công lập.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung yên tâm thi đấu và sau đó được phát triển ngành, nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình./. (Hết)