Giáo dục

Xây dựng mô hình “Công dân học tập” nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Phú Thọ

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất quan trọng.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Tọa đàm chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” diễn ra ngày 4/4. Sự kiện do Trường Đại học Hùng Vương phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công ty Trách nhiệm hữu hạn JNTC Vina tổ chức.

Tại tọa đàm, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề trong bối cảnh hiện nay. Trọng tâm là các giải pháp như: Xây dựng mô hình “Công dân học tập” góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường kết nối doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành kỹ thuật; huy động doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo; tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông nhằm thực hiện hiệu quả đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh Trung học Phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên trình độ cao; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất trong các nhà trường…

PGS.TS Trần Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Các đại biểu đều thống nhất, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong trường Đại học, Cao đẳng, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất quan trọng. Các đại biểu thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề ở cơ sở giáo dục như: Công tác tuyển sinh gặp khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, cũ hoặc lạc hậu, công tác liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo còn yếu, đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các ngành nghề, thu nhập của giáo viên dạy nghề còn thấp…

Theo ông Nguyễn Đức Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Phú Thọ, hiện nay, một số giáo viên đào tạo nghề có tay nghề, trình độ cao đang có xu hướng dịch chuyển sang khối doanh nghiệp hoặc ra ngoài làm kinh doanh do thu nhập tại cơ sở giáo dục chưa tương xứng. Vì vậy, muốn “giữ chân” được đội ngũ này cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị.

Đại diện Công ty TNHH JNTC Vina và Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tặng quà cho các sinh viên trường Đại học Hùng Vương có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì thừa nhận, giáo viên rất giỏi về lý thuyết nhưng trong thực hành đôi khi còn lúng túng, đặc biệt là đối với ngành nghề công nghệ cao, hiện đại. Nguyên nhân do trang thiết bị thực hành rất đắt, các cơ sở giáo dục không đủ nguồn lực trang bị, vì vậy cả thầy và trò đều thực hành trên mô hình mô phỏng nên hiệu quả không cao…

Tại buổi tọa đàm, ông Kim Myung Hwan, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn JNTC Vina cho biết, là đơn vị sản xuất với hệ thống dây truyền hiện đại, công ty luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao, đặc biệt thời gian tới công ty mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, công ty mong muốn kết nối với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo điều kiện để sinh viên các nhà trường tham quan, thực hành, trải nghiệm, gắn lý luận với thực tiễn... Đây cũng là dịp để nhà trường quảng bá thương hiệu, ngành nghề, chất lượng đào tạo theo hướng gắn kết giữa nhà trường với nhà sản xuất kinh doanh và người lao động.

Dịp này, Hội Khuyến học tỉnh, Công ty Trác nhiệm hữu hạn JNTC Vina ký kết thỏa thuận khung về việc hợp tác và tài trợ khuyến học; trao 30 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Trường Đại học Hùng Vương, tổng số tiền 210 triệu đồng./.

PV

Xem thêm