Các cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng dự thảo cần rà soát, tính toán kỹ, để nghị quyết khi ban hành thực sự đi vào đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.
TTXVN - Ngày 6/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, dự thảo đã bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, thành phố và nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô, đảm bảo an sinh xã hội. Bà Nguyễn Lan Hương lưu ý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng dự thảo cần rà soát, tính toán kỹ, để nghị quyết khi ban hành thực sự đi vào đời sống, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Cường, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phát hành cuốn sổ tay hướng dẫn thu gom, xử lý và tái sử dụng rơm rạ, làm phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu khí nhà kính và phát triển nông nghiệp bền vững. Hà Nội có tiềm năng lớn về phân bón hữu cơ từ rơm, rạ hàng nghìn tấn mỗi năm. Thành phố nên đi trước một bước để phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hùng Cường, Hà Nội là đất trăm nghề, cần làm rõ du lịch trải nghiệm làng nghề, nông nghiệp có hiệu quả đến đâu và thực hiện như thế nào. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên, cần có một chương về đào tạo, phát triển, bảo tồn những làng nghề thủ công truyền thống, để phát triển mạnh du lịch nông nghiệp trải nghiệm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Bùi Thị Xô, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần định hình sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Hà Nội, từ đó nên tập trung vào vùng sản xuất hàng hóa, chính sách nhập công nghệ mới, chính sách đào tạo, tập huấn… Nên định hình phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, gắn với du lịch, để phát triển nhanh và bền vững.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nêu ý kiến, dự thảo tờ trình của UBND thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội đã đảm bảo cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, chính sách mới cần tháo gỡ những khó khăn, tập trung vào các mục tiêu để thực hiện hiệu quả hơn. Hà Nội cần xây dựng cây trồng chủ lực, thương hiệu chủ lực và nhóm chính sách để đầu tư cho các vấn đề này.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay quỹ đất của Hà Nội về nông nghiệp đang ngày càng thu dần, nhất là khi 5 huyện của thành phố trong tương lai sẽ lên quận. Vì vậy, thành phố nên xác định hợp tác xã, doành nghiệp là hạt nhân, nâng dần quy mô sản xuất để ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, thành phố quan tâm hơn nữa đến chính sách tín dụng, xem xét một số chính sách vay không cần thế chấp. Nhà nước cần hỗ trợ thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm sạch, để giá trị sản phẩm, ngày công của lao động được nâng lên, không nên cho phép doanh nghiệp độc quyền thu mua, cần khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với các hợp tác xã và hình thành các trang trại quy mô lớn, từ đó góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.
Theo dự thảo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, mục tiêu ban hành chính sách là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của trung ương và thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra, đáp ứng điều kiện thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường.
Chính sách sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể như: Thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp bình quân từ 2,5 - 3%/năm; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%; tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt tăng 0,4-0,7%/năm trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30-40%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 3 - 4%/năm; sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết trên 50%; tốc độ tăng giá trị nông sản qua chế biến đạt khoảng 5 - 7%/năm; phát triển chế biến các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh tập trung; xây dựng Hà Nội thành trung tâm sản xuất giống công nghệ cao…/.