Xây dựng thiết chế văn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: * Bài 2: Đẩy mạnh xã hội hóa
Thạc sỹ Nguyễn Thị Lê Uyên, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minhcho rằng : Thành phố cần tăng cường chia sẻ với các doanh nghiệp về lợi ích, cách thức chung tay xây dựng các cơ sở văn hoá.
TTXVN - Cùng với phát triển mạng lưới đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang chú trọng xây dựng, tạo lập không gian công cộng cho các tầng lớp nhân dân tại nhiều quận, huyện. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa được đẩy mạnh như một giải pháp khắc phục tình trạng “yếu và thiếu” đang còn tồn tại.
*Chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
Mới đây, Phường 4 (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) đã khánh thành khuôn viên 750 Nguyễn Kiệm. Khuôn viên này được xây dựng từ sự chung tay đóng góp kinh phí và công sức của nhân dân nhằm chỉnh trang, cải tạo trở thành khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi và tập luyện thể dục thể thao cho cộng đồng. Khuôn viên có tổng diện tích khoảng 250m2.
Theo báo cáo của UBND Quận 4, có 13 phường trên địa bàn quận đã tổ chức được nhiều hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn... Các điểm sinh hoạt văn hóa đều thực hiện xây dựng “Thư viện cộng đồng” nhằm đổi mới hình thức, phát huy sự sáng tạo, linh hoạt trong việc tổ chức phục vụ sách, báo tại cộng đồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 4 cho rằng, bên cạnh những thiết chế văn hóa đã được xây dựng, do không đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất, việc thành lập các Trung tâm Văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng cấp phường vẫn chưa triển khai được. Nguồn vận động xã hội hóa cho các hoạt động thuộc lĩnh vực này rất hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan.
Để đầu tư, khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở, theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Lê Uyên, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố cần tăng cường hoạt động giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về tầm quan trọng của thiết chế văn hóa cơ sở với sự gặp gỡ, chia sẻ với các doanh nghiệp về lợi ích, cách thức chung tay. Thành phố cần cung cấp các chính sách hỗ trợ và khung pháp lý thuận lợi nhằm tạo môi trường thân thiện, khuyến khích tham gia xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở của người dân, doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Thành phố chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mới đang cần cho sự phát triển của thành phố. Theo đó, với Nghị quyết 54, hình thức hợp tác công tư được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế cho Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thu hút nguồn lực đầu tư xã hội cho sự phát triển, đặc biệt là đối với các dự án thể thao, văn hóa. Nếu có các nhà đầu tư cho các dự án này cũng phát sinh nguồn thu cho Thành phố, đồng thời giảm bớt áp lực đầu tư trung hạn.
*Triển khai các giải pháp đồng bộ
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại đang là yêu cầu cấp thiết của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Đó là cơ sở đầu tiên để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần; là nơi kết nối, giao lưu, sáng tạo và tập hợp ý chí, quyết tâm của những người đang làm công tác nghệ thuật ở Thành phố. Tuy nhiên, để tạo nên những thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế, đòi hỏi sự quan tâm của các sở, ban, ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa con người và toàn xã hội.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước, tuy nhiên trong lĩnh vực văn hóa còn phát sinh nhiều yếu kém. Các quận, huyện vùng ven và ngoại thành quy hoạch rất nhiều khu công nghiệp, khu dân cư nhưng các thiết chế văn hóa lại không được chuẩn bị cho lượng cư dân lớn như hiện nay. Do đó, để đầu tư cho văn hóa, thể thao cần phải được ưu tiên đi cùng với kinh tế. Đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa chính là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa trong nhân dân.
Nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật biểu diễn được đồng bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng “Đề án chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030”. Mục tiêu cụ đến năm 2030 Thành phố trở thành thành phố văn hóa. Bên cạnh đó, Sở đã nghiên cứu đề xuất đầu tư cải tạo, nâng cấp trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với 13 hạng mục sửa chữa lớn, xây dựng mới các công trình thuộc ngành văn hóa và thể thao với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai nhận định, để các thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả, cần có cơ chế trong liên doanh liên kết, hợp tác sản xuất chương trình nghệ thuật đặc sắc để thu hút nguồn lực từ bên ngoài; có chính sách miễn, giảm tiền thuế đất đối với nhà đầu tư tham gia đầu tư thiết chế văn hóa, thực hiện các mô hình xã hội hóa. Trong đó, Thành phố cần yêu cầu các quận, huyện ưu tiên quỹ đất, đầu tư lại nhà văn hóa phường, xã; các khu chế xuất, khu công nghiệp cần quan tâm xây dựng trung tâm sinh hoạt công nhân, công trình thể dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho lực lượng lao động và người dân trên địa bàn…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên tập trung vào việc tháo gỡ cơ chế, bám sát những quy định trong Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội ban hành. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao cần thể hiện vai trò tham mưu trong việc tháo gỡ cơ chế, tận dụng ưu thế, rà soát và đề xuất giải pháp phù hợp. Qua đó làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, tổng kết kinh nghiệm, có kiến nghị, đề xuất để tổ chức được các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao quy mô, tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và xu hướng phát triển văn hóa, nghệ thuật của một xã hội hiện đại.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời đáp ứng được nhu cầu về thụ hưởng, sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.(Hết)