Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, với 6.489 di tích đã được kiểm kê.
“Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là chủ đề Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2025-2030 được Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn.
* Hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương, nhiệm kỳ 2020, Đảng bộ Sở đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô. Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ đánh giá kết quả đã đạt được và kiểm điểm những tồn tại, hạn chế đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng. Đại hội sẽ tổng kết những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, từ đó đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới.
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Sở chú trọng. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước, với 6.489 di tích đã được kiểm kê. Thành phố đã ban hành Nghị quyết đầu tư công với tổng cộng 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, tổng kinh phí gần 14.030 tỷ đồng.
Nhiều điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn thành phố được nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh truyền thông và sáng tạo sản phẩm du lịch văn hóa, như các chương trình trải nghiệm đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, chương trình tinh hoa đạo học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và chương trình “Ngọc Sơn – đêm huyền bí” tại đền Ngọc Sơn. Các chương trình này thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế.T
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục lan tỏa sâu rộng, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa, thôn - tổ dân phố văn hóa. Việc triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố tiếp tục được thực hiện đồng bộ, sáng tạo thông qua các hoạt động tuyên truyền, hội thi, cuộc thi vẽ tranh, chụp ảnh, video…
Cùng với đó, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư củng cố với 5.266 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao các cấp. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức thường xuyên, phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Trung bình mỗi năm, Sở tổ chức từ 7 – 10 liên hoan, hội thi nghệ thuật quần chúng, các nhà hát thuộc thành phố dàn dựng 18 vở diễn mới, tổ chức trên 3.000 buổi biểu diễn. Nhiều sự kiện quy mô lớn, có uy tín được duy trì như: Giọng hát hay Hà Nội, Liên hoan sân khấu Thủ đô, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội…
Trong lĩnh vực thể thao, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao. Tại SEA Games 31, Đoàn Thể thao Hà Nội giành 151 huy chương các loại, chiếm hơn 30% tổng số huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam. Thể dục thể thao quần chúng cũng được quan tâm, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
* Thay đổi tư duy quản lý sang “kiến tạo và đồng hành”
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao kết quả hoạt động của ngành Văn hóa và Thể thao nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, một trong những “nút thắt” cần tháo gỡ là tư duy quản lý văn hóa còn nặng tính hành chính, thiếu tính thị trường và hội nhập. Các nguồn lực văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, thiếu sự đầu tư bài bản để chuyển hóa thành động lực phát triển công nghiệp văn hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cần chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo và đồng hành”, trong đó xác định văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững, một mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Việc thay đổi tư duy quản lý văn hóa của Thủ đô không phải nhiệm vụ của riêng một vài cá nhân hay đơn vị, mà là sự chuyển đổi toàn diện: từ mô hình hành chính sang mô hình phục vụ và kiến tạo, từ bao cấp sang thị trường, từ ổn định sang sáng tạo và tiên phong. Ngành cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các mô hình hợp tác công – tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển.
Đặc biệt, ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cần lưu ý đến việc tăng cường áp dụng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa – thể thao, đổi mới cách thức quản lý, mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia vào các mạng lưới sáng tạo toàn cầu; cần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ trình độ, tư duy đổi mới, nhạy bén với xu thế phát triển của thời đại.
Trong nhiệm kỳ tới, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc; yêu nước, đoàn kết, tự cường, trách nhiệm kỷ cương sáng tạo; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng phát triển toàn diện và đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao thể lực, tầm vóc của các tầng lớp nhân dân… Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.