Pháp luật

Xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Hưng Yên

Tám bị cáo bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 170, Bộ luật Hình sự; 18 bị cáo truy tố cùng tội danh quy định tại điểm a, d, đ...

Ngày 23/7, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 44 bị cáo liên quan đến Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam về tội "Cưỡng đoạt tài sản", theo Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Dự kiến phiên tòa kéo dài 3 ngày.

Bị cáo Đồng Xuân Thụ, cựu Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tại phiên xét xử. 
Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Trong đó, 8 bị cáo gồm: Đồng Xuân Thụ (sinh năm 1972, cựu Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam), Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1977, cựu Phó Tổng Biên tập, thủ quỹ Tạp chí), Cao Thị Thu Hường (sinh năm 1989, Kế toán), Bùi Văn Toàn (sinh năm 1980, Trưởng ban Kinh tế - môi trường) cùng 4 bị cáo khác bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Tám bị cáo bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 170, Bộ luật Hình sự; 18 bị cáo truy tố cùng tội danh quy định tại điểm a, d, đ khoản 2 Điều 170, Bộ luật Hình sự; 10 bị cáo truy tố cùng tội danh quy định tại điểm a, đ khoản 2 Điều 170, Bộ luật Hình sự.

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình và cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình (nay là Công an tỉnh Hưng Yên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên), năm 2010, bị cáo Đồng Xuân Thụ được bổ nhiệm là Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam. Trong quá trình điều hành hoạt động của Tạp chí, biết rõ lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường còn tồn tại nhiều vi phạm, thiếu sót nên Thụ đã chỉ đạo phóng viên của Tạp chí đi tìm các sai phạm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để viết những bài báo phản ánh đăng tải lên địa chỉ web của Tạp chí “moitruongvadothi.vn”. Từ đó gây sức ép, buộc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải liên hệ với phóng viên (hoặc phóng viên tự liên hệ) để tìm cách xử lý, xin được gỡ bài, ẩn bài, xóa bài, sửa bài viết hoặc không viết tiếp bài báo khác về sai phạm đó nữa.

Các phóng viên đã yêu cầu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải làm “Hợp đồng CCV” ủng hộ chương trình “Cây chổi vàng”, “Vẽ tranh cho thiếu nhi”; hợp đồng truyền thông với một số tiền để được gỡ bài, ẩn bài, xóa bài hoặc không viết tiếp các bài báo phản ánh sai phạm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đó nữa.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ cuối năm 2018 đến tháng 8/2024, các phóng viên, cộng tác viên trong các ban, văn phòng đại diện của Tạp chí đã thực hiện 84 vụ cưỡng đoạt tài sản tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước; tổng số tiền chiếm đoạt trên 5,1 tỷ đồng để chia nhau hưởng lợi./.

Thu Hoài

Tin liên quan

Xem thêm