Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã đề nghị Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng sẵn sàng các phương án để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Bộ do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) từ chiều 21/7 đến chiều ngày 24/7, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Dự báo tác động của mưa lớn sẽ làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường và giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn Cấp 1.
* Cảnh giác để đảm bảo an toàn
Trong cơn dông có thể kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn có thể gây sạt lở đất ở khu vực vùng núi, gây ngập úng khu đô thị và những vùng trũng thấp. Do đó, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Điển hình như, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã khuyến cáo các biện pháp phòng tránh để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Cụ thể, theo ông Trần Văn Duy, Trưởng Ban An toàn, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, người dân cần lưu ý, cầu dao, cầu chì, aptomat và các ổ cắm nên bố trí cao trên 1m40, đảm bảo khô ráo, tránh để trẻ em tiếp xúc hoặc gây chập điện khi nước ngập.
Các thiết bị điện như máy bơm, bình nóng lạnh, tủ lạnh cần được nối đất an toàn, lắp đặt đúng hướng dẫn kỹ thuật. Trong trường hợp phát hiện sự cố điện trong nhà hoặc ngoài đường, người dân không nên tự sửa chữa khi không có kiến thức, kỹ năng và không có dụng cụ đồ nghề phù hợp, có thể gây ra tai nạn về điện. Trong trường hợp này, lập tức liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 1288 để được hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy hiểm do tác động của cơn bão số 3 gây ra, các chuyên gia cảnh báo, để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn khi di chuyển trên đường, người dân cần chú ý quan sát các biển báo trên đường, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật để kịp thời xử lý các sự cố, tránh gây tai nạn. Cụ thể, khi di chuyển, người dân nên chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường bởi trong những ngày gió lớn, nhiều biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường... gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng; quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.
Khi mưa bão, người dân hạn chế đi trên cầu như: Nhật Tân, Thăng Long, Vĩnh Tuy... Nếu bắt buộc phải đi trên cầu, nên di chuyển với tốc độ chậm và cố gắng ghì người xuống xe và hạ thấp đầu để tránh bị “gió tạt bay”. Khi lái xe, người dân cần luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định; không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông. Một trong những điều cần tuyệt đối tránh khi đi đường ngày mưa bão là cố gắng đi nhanh để đến địa điểm sớm. Tốc độ cao khiến sức gió thổi lớn hơn sẽ khiến không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện cũng cần tránh vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng (đặc biệt là đoạn ngã tư) vì đây chính là nơi hút gió, thậm chí tạo thành những cơn gió xoáy khiến không thể giữ vững được tay lái. Các phương tiện không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn vì mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Những loại cây dễ đổ là loại cây có rễ chùm như xà cừ, muồng... Cẩn thận với các khu vực có công trường thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn.
* Triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ
Để triển khai thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến khách ngang sông trong điều kiện ứng phó với cơn bão số 3, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã đề nghị Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, phương án để tham gia đảm bảo an toàn giao thông trong điều kiện ứng phó cơn bão số 3.
Sở Xây dựng Hà Nội khẩn trương chỉ đạo công tác cắt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi mưa bão; Xây dựng các phương án bố trí lực lượng, trang thiết bị ứng phó các sự cố về hạ tầng giao thông (các điểm úng ngập, sự cố do cây xanh gãy đổ, sự cố về hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, sự cố tại các đường ngang giao cắt với đường sắt, sạt trượt hệ thống đường bộ,...) nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với Tổng Công ty vận tải Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cơn bão số 3 để có phương án ứng phó, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị. Ngoài ra, UBND các phường, xã tổ chức cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai đến Nhân dân trên địa bàn để chủ động ứng phó bảo đảm an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ năng ứng phó, nhất là gió mạnh, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất,...
Cùng với đó, UBND các phường, xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt trên hệ thống loa phát thanh của địa phương về tình hình bão và biện pháp ứng phó; vận động người dân hạn chế tối đa việc tham gia giao thông trong điều kiện thời tiết nguy hiểm như mưa bão, gió dật, giông lốc, cây đổ, vật bay... tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông; Sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, trán, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cần, chủ quan;…
Đồng thời, UBND các phường, xã cũng bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; tổ chức rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Đối với các xã, phường có hoạt động của bến khách ngang sông, các khu vui chơi giải trí trên mặt nước: kiên quyết không cho phương tiện xuất bến trong điều kiện thời tiết mưa bão, gió dật, giông lốc, dòng chảy diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của mưa bão,... tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí trên mặt nước trong điều kiện thời tiết nguy hiểm nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.