Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Chủ trương phát hành trái phiếu “khống” là theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan
Trong giai đoạn hai của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm bị cáo buộc các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của hơn 35.824 bị hại); rửa tiền (445.747 tỷ đồng); vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng).
Ngày 20/9, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần thẩm vấn nhóm bị cáo bị buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Hồ Bửu Phương, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thừa nhận cáo trạng truy tố đúng. Phương cho biết công việc của bản thân khi còn làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là phụ trách về tài chính, kế toán, kiểm toán, thu chi của 2 công ty cổ phần; sắp xếp hồ sơ tài chính thuế, kiểm toán để thực hiện phương án phát hành trái phiếu.
Theo cáo trạng, Hồ Bửu Phương đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và được Lan giao làm đầu mối yêu cầu bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính, lên phương án thực hiện các giao dịch chuyển tiền chạy dòng tiền khống. Bị cáo Phương sau đó đã chỉ đạo cấp dưới phối hợp với nhân viên Công ty Chứng khoán Tân Việt để phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông), Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận (Công ty Quang Thuận) và Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển Sunny World (Công ty Sunny World). Hành vi của Phương đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 27.969 tỷ đồng của 33.393 người.
Trả lời Hội đồng Xét xử, Hồ Bửu Phương khai bản thân có tham gia vào các cuộc họp để quyết định chủ trương phát hành trái phiếu của 3 công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan cùng với sự tham gia của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Giám đốc Ngân hàng SCB, đã chết) và Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt, đã chết).
Hồ Bửu Phương cho biết, trước khi phát hành trái phiếu đều được Hội đồng Quản trị của các công ty này ra nghị quyết thông qua, sau đó bị cáo Phương phối hợp với các công ty đủ điều kiện phát hành trái phiếu để thực hiện phát hành. Việc rà soát công ty phát hành trái phiếu dựa vào 2 yếu tố cơ bản: phải đủ điều kiện, có thương hiệu, uy tín để việc phát hành trái phiếu thành công; việc lựa chọn công ty sơ cấp mua trái phiếu dựa trên tiêu chí công ty đó phải có nhu cầu đầu tư, có bộ máy hoạt động, báo cáo tài chính tốt.
Phương cũng thừa nhận các gói trái phiếu phát hành đều không có tài sản đảm bảo. Để lách các quy định, hợp thức hóa mục đích phát hành trái phiếu là dùng tiền vốn trái phiếu đầu tư vào các dự án sinh lời, bị cáo Phương cùng một số người thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế “khống” (mua bán cổ phần trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty phát hành với 5 công ty trái chủ sơ cấp, công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký “khống”.
Hồ Bửu Phương nhìn nhận bản thân là người có trình độ, hiểu biết nhưng trong nhận thức không biết hết được mọi việc. Bị cáo không ngờ số lượng người mua trái phiếu lại đông như vậy. Bị cáo còn không nghĩ sẽ phát hành trái phiếu thành công, nếu có người mua cũng chỉ khoảng vài trăm người. Bị cáo rất ăn năn hối hận về việc mình đã gây ra.
Bị cáo Trương Huệ Vân, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor (Công ty Windsor), cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan xác nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng về việc bị cáo ký các hợp đồng, chứng từ để Công ty Windsor chuyển 13.000 tỷ đồng cho Công ty An Đông để mua sơ cấp 2 mã trái phiếu của Công ty An Đông.
Tuy nhiên, Trương Mỹ Vân cho biết khi còn làm việc tại Công ty Windsor, bị cáo chỉ tập trung quản lý tòa nhà thương mại dịch vụ, còn hoạt động tài chính thì bị cáo không nắm. Khi nhận được hồ sơ bị cáo cũng không đọc, thấy các lãnh đạo khác ký rồi nên bị cáo ký vào chỗ của mình. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thức được mình đã làm sai quy định pháp luật. Vân cũng cho biết không tham gia bất kỳ cuộc họp nào liên quan đến việc phát hành trái phiếu này.
Trương Huệ Vân trình bày, lúc đấy, bị cáo không nhận thức được vấn đề, đến giờ, bị cáo đã biết mình sai. Bị cáo chấp nhận mọi trách nhiệm, nhưng bản thân bị cáo không hề mong muốn và không có chủ đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo làm việc hưởng lương khoảng 80 triệu đồng/tháng, không được hưởng lợi gì từ quá trình giao dịch 2 gói trái phiếu này. Bị cáo muốn gửi lời xin lỗi tới trái chủ của 2 gói trái phiếu tại Công ty An Đông.
Bị cáo Ngô Thanh Nhã, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty An Đông khai, bản thân bị cáo không hề có kiến thức về kế toán và phát hành trái phiếu nên suốt quá trình làm việc tại Công ty An Đông bị cáo chỉ làm việc hậu cần, không chỉ đạo ai. Việc bị cáo thực hiện phát hành trái phiếu hoàn toàn theo sự chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Bị cáo chỉ biết ký những giấy tờ cần thiết để phát hành trái phiếu, còn ký cụ thể những giấy tờ gì thì bị cáo không nhớ, cũng không rõ việc Công ty An Đông phát hành trái phiếu để làm gì.
Ngô Thanh Nhã cho biết, tuy giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhưng thực chất bị cáo cũng chỉ là người làm công ăn lương, hưởng lương theo tháng. Bị cáo không được hưởng lợi gì thêm từ việc ký phát hành trái phiếu này. Bị cáo rất mong muốn được khắc phục hậu quả mà mình đã gây ra. Hiện tại, bị cáo đã nhờ gia đình nộp trước 2 tỷ đồng. Sau khi đọc cáo trạng, thấy số tiền thiệt hại quá lớn, bị cáo sẽ tiếp tục vận động gia đình để nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB phụ trách tín dụng và xử lý nợ Ngân hàng SCB thừa nhận đã tiếp nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB và nhận phương án dòng tiền khống do Trịnh Quang Công, Nguyễn Phương Anh lập, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 2.000 tỉ đồng của 2.431 bị hại. Dung cho biết Hoàng nhận chủ trương từ Trương Mỹ Lan và Nguyễn Phương Hồng.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng cho biết, việc phát hành trái phiếu là chủ ý của Trương Mỹ Lan truyền đạt đến bị cáo thông qua Nguyễn Phương Hồng vào khoảng tháng 8/2020 do khi đó gói trái phiếu của Công ty An Đông sắp hết hạn. Thời điểm này, Ngân hàng SCB đang khó khăn vì bị thanh tra, hạn mức tín dụng đang bị siết nên bị cáo đã nghĩ phải tìm công ty để phát hành trái phiếu mới để trả lãi trái phiếu Công ty An Đông. Hoàng sau đó đã chọn Công ty Setra vì công ty này từng phát hành trái phiếu thành công.
Trong giai đoạn hai của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm bị cáo buộc các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của hơn 35.824 bị hại); rửa tiền (445.747 tỷ đồng); vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng)./.