Pháp luật

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi): Còn nhiều vấn đề cần thảo luận

TP. Hồ Chí Minh

Sửa đổi kịp thời, bổ sung các quy định nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về công chứng.

Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Nguyễn Xuân Khu

Chiều 20/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hiện hành, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về hoạt động công chứng;  kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong việc thi hành pháp luật về công chứng; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả của hoạt động công chứng phù hợp với tính chất là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, góp phần bảo đảm sự an toàn trong các giao dịch dân sự, kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bền vững, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện… Tuy nhiên, với 73/79 điều luật cần sửa đổi, bổ sung, vẫn còn nhiều vấn đề có các ý kiến khác nhau về nội dung Dự thảo Luật.

Đối với Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh, đa số các đại biểu lựa chọn phương án 2 quy định “Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Luật này áp dụng đối với các giao dịch dân sự bằng văn bản (sau đây gọi là giao dịch), phải công chứng được quy định trong Danh mục ban hành kèm theo Luật này và các giao dịch khác do tổ chức, cá nhân tự nguyện yêu cầu công chứng.” Bởi cho rằng phương án 1 quy định “Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng” là chưa đầy đủ, chưa thể hiện hết thực tiễn thi hành Luật Công chứng.

Bà Ninh Thị Hiền, Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền đề nghị “Danh mục ban hành kèm theo Luật này” phải quy định cụ thể các giao dịch đối với bất động sản (trừ các loại giao dịch mà Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản quy định do người yêu cầu công chứng tự nguyện); giao dịch đối với tài sản có đăng ký; giao dịch liên quan đến doanh nghiệp; các giao dịch mà pháp luật quy định bắt buộc phải được công chứng và các giao dịch do cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng).

Nhất trí với ý kiến trên, ông Hoàng Xuân Ngụ, Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân Ngụ đề nghị bổ sung vào Danh mục nội dung “Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổng hợp các giao dịch phải công chứng và công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp” để đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật và cũng đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, thống nhất, đồng bộ với các quy định của các Luật liên quan.

Trong khi đó ông Nguyễn Thành Băng, đại diện Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh lại quan tâm đến vấn đề chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng, cho biết, thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động của Phòng Công chứng đang chiếm vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước (là nơi thực hiện thí điểm các chủ trương, chính sách mới, thí điểm việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, cung cấp dịch vụ cho đối tượng yếu thế trong xã hội…). Từ năm 2020 đến hết năm 2023, số vụ việc công chứng của 7 Phòng Công chứng chiếm hơn 12% tổng lượng công việc của 117 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố và đã nộp thuế/ngân sách chiếm 37% tổng số tiền các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố.

Vì vậy, đại diện Sở Tư pháp Thành phố đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật nghiên cứu quy định giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng Công chứng. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã có những ý kiến góp ý cụ thể vào các điều khoản của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trong các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ công chứng viên; bảo hiểm của công chứng viên; bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng; cơ sở dữ liệu công chứng; các hành vi bị nghiêm cấm…

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 73 điều; giữ nguyên 5 điều; bổ sung 1 điều 36a; do đó tăng 1 điều so với dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội)./.

Nguyễn Xuân Khu

Xem thêm