Cơ quan chức năng đề nghị báo chí, người dân hỗ trợ cơ quan quản lý có đủ sở cứ để xử lý các video, livestream sai phạm trên mạng xã hội, nhất là đối với những người nổi tiếng, nghệ sỹ, KOL.
TTXVN - Trước phản ánh của các cơ quan báo chí về tình trạng nhiều ca sỹ, KOL (người có ảnh hưởng đến dư luận chủ chốt trong một lĩnh vực, được sử dụng trong Marketing để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ) và influencer (người có tầm ảnh hưởng - thường là một cá nhân có uy tín và sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng trực tuyến, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội) quảng bá cho các website cá cược đổi thưởng, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 6/3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã thông tin về các giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.
Theo ghi nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tượng một số diễn viên, ca sĩ, KOL và influencer có lượng theo dõi cao quảng bá cho các website cờ bạc đổi thưởng tiếp tục tái diễn. Đáng chú ý, đa số người hâm mộ theo dõi những người nổi tiếng này còn ở độ tuổi trẻ, dễ bị tác động về tâm lý và hành vi.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, đây không phải là sự việc mới. Thời gian trước đã có một số nghệ sỹ có hình thức quảng cáo trá hình (mặc áo có đường link dẫn đến các trang web cờ bạc) nhảy múa, ca hát trên mạng xã hội. Các Sở Thông tin và Truyền thông đã xử lý nghiêm các trường hợp này. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ ghi nhận phản ánh của các cơ quan báo chí để tiếp tục xử lý. Đối với trường hợp đã rõ ràng, việc xử lý rất dễ dàng, nhưng nếu nghệ sỹ, người nổi tiếng đó cố tình vi phạm nhưng che giấu, sẽ có các biện pháp xử lý khác, không chỉ có xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ Thông tin và Truyền thông mong các cơ quan báo chí tiếp tục phát hiện và cảnh báo; đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan của các Bộ: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp với Bộ để xử lý mạnh tay đối với hiện tượng này.
Liên quan đến việc xử lý các livestream để lừa đảo, thậm chí thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Các công ty quản lý các nền tảng xuyên biên giới hiện đã có công cụ giám sát video nhưng công cụ này chỉ có thể giám sát được các video khi đã được tải về, chứ chưa thể giám sát các video qua hình thức livestream và các nền tảng chiếu phim trực tuyến. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã sử dụng tính năng livestream để cung cấp dịch vụ nhạy cảm, lừa đảo..., sau đó xóa dấu vết nhanh. Cơ quan quản lý nhà nước đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới, đồng thời yêu cầu phát triển các công cụ giám sát, qua đó tăng tính trách nhiệm trong việc rà soát, ngăn chặn nội dung độc hại của các công ty này; đồng thời làm việc với các công ty công nghệ lớn (Viettel, FPT) để đặt hàng công cụ phát hiện.
Đây là "cuộc rượt đuổi giữa chính và tà", ông Lê Quang Tự Do cho biết và đề nghị trong khi các công cụ giám sát chưa được hoàn thiện, rất cần đến "tai, mắt" của quần chúng nhân dân và các cơ quan báo chí. Khi phát hiện các livestream hay video sai phạm, có thể chụp màn hình, quay video giúp cơ quan quản lý có đủ sở cứ để xử lý, nhất là đối với những người nổi tiếng, nghệ sỹ, KOL.../.
- Từ khóa:
- xử lý sai phạm trên mạng xã hội