Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo xử lý vấn đề được báo chí thông tin về việc khó khăn trong việc xin cấp phép hành nghề đông y và báo cáo kết quả thực hiện.
TTXVN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có ý kiến về xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc khó khăn trong việc xin cấp phép hành nghề đông y.
Theo công văn 5654/VPCP-KGVX, báo chí ngày 19/7/2023 có bài phản ánh tình trạng khó khăn trong việc cấp phép hành nghề đông y. Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo xử lý vấn đề được báo chí nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Theo báo chí phản ánh, gần 20 năm qua, gần như chưa có thêm hội viên hội Đông y Việt Nam nào được chứng nhận là lương y. Đến nay, chỉ có khoảng 20% hội viên Hội Đông y Việt Nam có giấy phép hành nghề; 80% chưa được cấp giấy chứng nhận lương y, đồng nghĩa với việc chưa có giấy phép hành nghề đông y. Nguyên nhân do quy định về việc cấp giấy chứng nhận lương y không còn phù hợp thực tế.
Không ít người trưởng thành từ các gia đình có truyền thống làm khám, chữa bệnh bằng đông y đã học hỏi, gìn giữ bài thuốc cổ truyền. Họ mong mỏi được chính thức công nhận, thỏa nguyện vọng nối nghiệp gia đình.
Được công nhận là lương y, được chính thức hành nghề đông y là mong muốn, nguyện vọng của hàng nghìn người đang góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của nền y học cổ truyền nhưng khó khăn trong việc này từ nhiều năm nay chưa được giải quyết.
Theo quy định, việc cấp giấy phép hành nghề lương y dựa trên việc cấp chứng nhận lương y và thực hiện theo Thông tư 29 của Bộ Y tế ban hành năm 2015. Theo đó, cấp giấy chứng nhận là lương y và giấy phép hành nghề cho "người đã được Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30/6/2004". Vì thế, cho đến nay, còn rất ít người có được tiêu chí này.
Trong số những người đang theo nghề đông y, có cả trường hợp theo truyền thống gia đình và trường hợp có bằng cấp khác nhưng yêu thích đông y và tự học, hoặc tham gia các khóa học về giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y của các tổ chức hội đông y trên toàn quốc. Đến nay, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp không đưa giáo dục nghề nghiệp lương y vào điều chỉnh. Như vậy, đối tượng lương y chưa có quy định về đào tạo.
Chưa được chứng nhận là lương y, chưa đủ điều kiện để được cấp phép hành nghề đông y điều này khiến những người đam mê, nhiệt huyết theo nghề cảm thấy thiệt thòi bởi nếu làm chả khác gì làm chui. Chưa kể bị đánh đồng với những đối tượng được gọi là "lang băm", mạo danh đông y để trục lợi. Đây cũng là trăn trở của hàng nghìn người mong muốn làm nghề đông y một cách chính thống.
Để giải quyết khó khăn trong xin cấp phép hành nghề cũng như bảo đảm những người được cấp "Giấy chứng nhận Lương y" là những người có kiến thức chuyên môn, kỹ năng khám chữa bệnh bằng đông y thực thụ, Hội Đông y Việt Nam đã chủ động xây dựng Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y.
Phát triển nền y dược cổ truyền trở thành một ngành khoa học mạnh không chỉ góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc. Đó là hướng đi của Đông y Việt Nam mà nền tảng là những lương y giỏi nghề và có tâm. Giấy phép hành nghề, chứng chỉ lương y sẽ là điểm tựa niềm tin cho người bệnh./.