Các chuyên gia, bác sĩ thảo luận về vai trò của thủ thuật xâm lấn trong thời kỳ sàng lọc không xâm lấn, ứng dụng công nghệ AI trong quản lý chất lượng và vận hành, phối hợp liên chuyên khoa trong quản lý an toàn cho mẹ và bé sơ sinh.
Ngày 6/9, tại Cần Thơ, Tập đoàn Y tế Phương Châu tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “An toàn mẹ và thai nhi từ hệ sinh thái đa chuyên khoa”, thu hút hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Hội nghị nhằm kết nối các nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia y tế, cũng như cập nhật tiến bộ y khoa trong lĩnh vực sản - nhi trên nền tảng kết nối đa khoa; từ đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc mẹ và bé tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị có 68 đề tài thuộc 6 nội: Sản - Phụ khoa, Hiếm muộn, Nhi Khoa, Đa khoa, Điều dưỡng, Quản lý chất lượng và vận hành bệnh viện. Báo cáo viên là các bác sĩ và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế đến từ hơn 60 bệnh viện, trung tâm y tế trong và ngoài nước, trong đó có Tập đoàn Y tế Phương Châu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Mount Sinai Morningside và Mount Sinai West (Mỹ), Bệnh viện Thonburi (Thái Lan)...
Dẫn báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Nguyễn Ngọc Anh Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Y tế Phương Châu) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 295.000 phụ nữ tử vong do mang thai và sinh nở. Điều này đòi hỏi ngành Y tế nói chung, lĩnh vực sản - nhi nói riêng phải không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc sản phụ khoa. Các chuyên gia đều cho rằng, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đa chuyên khoa để giảm thiểu biến chứng và rủi ro trong thai kỳ, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé từ giai đoạn thai kỳ cho đến sau sinh.
Sự an toàn của mẹ và thai nhi không chỉ bởi chất lượng chuyên môn của đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa mà còn sự “hợp lực” của tất cả các chuyên khoa xoay quanh hệ sinh thái sản khoa như: Sơ sinh, nhi, nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, dược, điều dưỡng… Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng của hệ thống công nghệ thông tin, quản lý chất lượng, quản lý bệnh viện. Đặc biệt, để chất lượng chăm sóc sản - nhi đạt cao nhất, cần truyền thông và công khai thông tin, quy trình để sản phụ, người nhà tin tưởng, hợp tác với bệnh viện, bác sĩ. Xây dựng được hệ sinh thái như vậy sự an toàn của mẹ và thai nhi sẽ ngày một cao hơn, rủi ro được giảm thiểu, hướng tới cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm người bệnh.
Các chuyên gia, bác sĩ thảo luận về vai trò của thủ thuật xâm lấn trong thời kỳ sàng lọc không xâm lấn, ứng dụng công nghệ AI trong quản lý chất lượng và vận hành, phối hợp liên chuyên khoa trong quản lý an toàn cho mẹ và bé sơ sinh.
Ngoài ra còn có những phiên thảo luận về việc nâng cao nguồn lực điều dưỡng theo tiêu chuẩn quốc tế; nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn của đội ngũ điều dưỡng qua các mô hình nâng cấp năng lực theo tiêu chuẩn JCI (hệ thống tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới về đánh giá chất lượng dịch vụ y tế với sứ mệnh tạo nên một thế giới nơi mà mỗi bệnh nhân đều được nhận sự chăm sóc y tế tốt nhất có thể).
Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao sự nỗ lực Tập đoàn Y tế Phương Châu trong việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện để các nhân viên y tế được cập nhật kiến thức mới, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Tập đoàn Y tế Phương Châu là một trong số ít các đơn vị đạt chuẩn chất lượng JCI. Tháng 9/2022, Tập đoàn đã hoàn thành quá trình chứng nhận của JCI và xuất sắc giành được Con dấu vàng chất lượng, trở thành bệnh viện đầu tiên tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, 1 trong 7 bệnh viện tại Việt Nam đạt được được tiêu chuẩn này./.