Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc men, vật tư...
Tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế ở Đà Nẵng diễn ra từ quý II/2024 do không lựa chọn được nhà thầu, nhà thầu không tham dự hoặc tham dự vượt giá kế hoạch…Do đó, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đưa ra một số biện pháp kịp thời để khắc phục.
*Khắc phục tình trạng thiếu thuốc
Bà Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay, tình trạng thiếu thuốc mang tính cục bộ, tạm thời tại một số thời điểm và ở một số đơn vị từ quý II/2024.
Nguyên nhân là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập chưa kịp thời với Luật Đấu thầu số 22/2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nên các cơ sở y tế chưa có căn cứ triển khai mua sắm theo nhu cầu sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thuốc tổ chức đấu thầu mua sắm nhưng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, do nhà thầu không tham dự thầu hoặc tham dự vượt giá kế hoạch. Ngoài ra, nhà thầu trúng thầu nhưng cung ứng gián đoạn, chậm hoặc không cung ứng thuốc trúng thầu cho đơn vị... Việc phục hồi hoạt động khám chữa bệnh, thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, với số lượng bệnh nhân tăng cũng làm tăng nhu cầu sử dụng thuốc.
Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập, Sở được UBND thành phố giao nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương giai đoạn 2024-2026. Đồng thời, Sở giao thẩm quyền cho các cơ sở y tế chủ động quyết định mua sắm thuốc khi chờ kết quả mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn liên quan. Sở đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương năm 2024 - 2026 cho các cơ sở y tế trên địa bàn, dự kiến kết quả được áp dụng từ tháng 4/2025.
Trong thời gian chờ kết quả mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương giai đoạn 2024 - 2026, Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp xử lý tình trạng thiếu thuốc. Các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức mua sắm các gói thầu thuốc theo nhiều hình thức mua sắm như, đấu thầu rộng rãi, mua sắm trực tiếp...dự kiến hoàn thành trong khoảng thời gian từ tháng 9-11/2024 tùy quy mô gói thầu. Một số thuốc cần mua trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân hoặc cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, các cơ sở y tế chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Một số cơ sở y tế áp dụng gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng để mua ngay thuốc cấp cứu, thuốc cần thiết phục vụ công tác khám chữa bệnh trong thời gian chờ thực hiện những gói thầu nêu trên.
Sở Y tế tăng cường điều tiết thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và đàm phán giá còn hiệu lực giữa các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh, với giá trị hơn 18 tỷ đồng từ đầu năm 2024 đến nay. Một số cơ sở y tế huy động được nguồn tài trợ thuốc từ các công ty dược phẩm. Trường hợp thiếu thuốc nguồn bảo hiểm y tế, các cơ sở y tế sử dụng phác đồ điều trị thay thế hoặc tư vấn, giải thích, chuyển người bệnh sang cơ sở khám chữa bệnh có thuốc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người bệnh.
*Đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao thường xuyên bị gián đoạn
Theo Sở Y tế, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2024, các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện mua sắm hóa chất, vật tư y tế theo các Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thuộc dự án mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao tập trung cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế năm 2021 - 2023 do Sở Y tế thành phố thực hiện đấu thầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Y tế triển khai 100 gói thầu, với tổng giá trị hơn 322 tỷ đồng, tương ứng với 3.664 mặt hàng.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy cho hay, mặc dù các cơ sở khám chữa bệnh chủ động mua sắm, đấu thầu đối với hóa chất, vật tư y tế theo Nghị quyết số 60/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố nhưng việc thực hiện công tác đấu thầu thường xuyên bị gián đoạn do sự thay đổi quy định về đấu thầu từ cuối năm 2023 (Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ban hành ngày 23/6/2023, có hiệu lực ngày 1/1/2024) và đầu năm 2024 (Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu…).
Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện đấu thầu riêng cho thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm (ví dụ Thông tư về nguyên tắc, tiêu chí phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong đấu thầu). Ngoài ra, việc các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và đang trong quá trình hoàn thiện nên các đơn vị vừa cập nhật, nghiên cứu và vừa điều chỉnh dự toán, kế hoạch mua sắm đảm bảo đúng quy định, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện của gói thầu.
Có một số hóa chất, vật tư y tế sử dụng với số lượng ít, nhất là đối với Trung tâm Y tế quận, huyện; nhà thầu ít quan tâm chào giá nên các đơn vị phải thực hiện mời chào giá nhiều lần, dẫn đến kéo dài công tác đấu thầu, mua sắm. Cùng với đó, nhân lực tham gia công tác mua sắm, đấu thầu phải thực hiện song song công tác chuyên môn khác ít nhiều ảnh hưởng công tác mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động khám chữa bệnh của đơn vị thời gian qua./.