Thái Bình: Thiếu vật tư y tế diễn ra cục bộ trong từng thời điểm, ở một số danh mục nhất định
Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh, ngành Y tế Thái Bình đã báo cáo UBND tỉnh, đề xuất một số giải pháp để khắc phục tình trạng trên/
(TTXVN) Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh thời gian qua được báo chí phản ánh, Sở Y tế tỉnh Thái Bình vừa có thông tin phản hồi về vấn đề này.
Tại Công văn 1283/SYT-NVD, Sở Y tế tỉnh Thái Bình nêu rõ, trong giai đoạn vừa qua, tại một số cơ sở y tế (trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã xảy ra tình trạng thiếu một số danh mục thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tình trạng này diễn ra cục bộ trong từng thời điểm và chỉ ở một số danh mục thuốc, vật tư y tế nhất định.
Nguyên nhân của tình trạng này do vướng mắc trong quá trình triển khai công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế. Tình hình dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở y tế trong tỉnh. Một số cơ sở y tế phải phong tỏa tạm thời để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh; số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các đơn vị trong quý II năm 2022 tăng cao so với thời gian trước.
Do đó, khó khăn trong việc dự báo nhu cầu để tổ chức mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế; trong khi theo các quy định các cơ sở y tế không được phép chia nhỏ gói thầu để tổ chức mua sắm nhiều lần.
Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc, vật tư y tế là loại hình sản xuất, kinh doanh có điều kiện.
Việc cung ứng trong giai đoạn vừa qua gặp khó khăn, nhất là với các danh mục thuốc đã hết hạn giấy đăng ký lưu hành nhưng chưa được gia hạn, doanh nghiệp không thể sản xuất và nhập khẩu để cung cấp. Do đó, một số gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế có nhiều danh mục không trúng thầu hoặc không có nhà cung cấp.
Cụ thể, gói thầu mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương năm 2021-2022 có 59/213 (chiếm 27,7%) danh mục không trúng thầu, trong đó 38/59 danh mục không có nhà thầu tham dự. Gói thầu mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương năm 2022 (mua sắm với những danh mục không trúng thầu của đợt 1) có 34/55 (chiếm 61,8%) danh mục không trúng thầu, trong đó 30/34 danh mục không có nhà thầu tham dự.
Gói thầu mua sắm vật tư y tế chuyên khoa Tim mạch năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 63/117 (chiếm 53,8%) danh mục không trúng thầu. Gói thầu mua sắm vật tư y tế dùng chung năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế) có 34/63 (chiếm 54%) danh mục không trúng thầu.
Gói thầu mua sắm vật tư y tế dùng chung năm 2022 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế) có 96/129 (chiếm 74,4%) danh mục không trúng thầu.
Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, việc xác định giá gói thầu (kể cả thẩm định giá của doanh nghiệp và thẩm định giá nhà nước) bị kéo dài do không có hoặc không đủ thông tin khi thực hiện thẩm định.
Mặt khác, việc triển khai Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, Quyết định số 5086/QĐ-BYT ngày 04/11/2021 và Quyết định số 5937/QĐ-BYT ngày 30/12/2021 của Bộ Y tế hiện nay chưa đồng bộ và thống nhất với các quy định hiện hành về tổ chức lựa chọn nhà thầu (sản phẩm tuy đã trúng thầu trước thời điểm Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 có hiệu lực nhưng chưa có giá công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế hoặc chưa có mã vật tư y tế theo Quyết định số 5086/QĐ-BYT thì chưa đủ điều kiện để cung ứng cho đơn vị sử dụng và thanh toán với Quỹ Bảo hiểm y tế).
Do chưa có kết quả đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và thuốc thuộc danh mục đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng của địa phương. Mặc dù, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các địa phương chủ động mua sắm các danh mục nêu trên trong thời gian chờ Bộ đấu thầu, song trong văn bản hướng dẫn lại chưa có thời gian dự kiến công bố kết quả đấu thầu, gây khó khăn cho công tác xác định nhu cầu mua sắm tại các đơn vị sử dụng.
Nguyên nhân khác là trong quá trình đấu thầu, một số danh mục thuốc có giá trị mua sắm thấp nên không có nhà thầu tham dự; việc triển khai công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế của một số đơn vị y tế còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ do hạn chế về năng lực tổ chức đấu thầu.
Hiện ngành Y tế Thái Bình đã báo cáo UBND tỉnh, đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
Trong đó, Sở Y tế tham mưu đề nghị UBND tỉnh có báo cáo gửi Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm, cung ứng hóa chất, vật tư y tế, vị thuốc cổ truyền của các cơ sở y tế; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh đẩy nhanh tiến độ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Ngành Y tế Thái Bình chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục triển khai việc tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế để phục vụ hoạt động chuyên môn tại đơn vị; kiện toàn và nâng cao chất lượng của Hội đồng thuốc và điều trị, Hội đồng Khoa học, Tổ chuyên gia, Tổ thẩm định của đơn vị trong việc triển khai các bước của quy trình mua sắm theo quy định.
Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham dự với gói thầu mua sắm tập trung hóa chất, vật tư y tế năm 2022; dự kiến cuối tháng 6/2022 sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu.
Thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh, tham mưu UBND tỉnh về việc xử lý phát sinh đối với các danh mục thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương không trúng thầu; lựa chọn đơn vị thực hiện nhiệm vụ mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương và phương án tổ chức mua sắm hóa chất, vật tư y tế năm 2023 – 2024…
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, dự kiến ngày 24/6, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục họp bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế./.
- Từ khóa:
- Thái Bình
- thiếu thuốc
- vật tư y tế