Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, khó khăn của chuyên ngành L ọc máu hiện nay là tỷ lệ bao phủ lọc máu còn thấp và không đồng đều (chỉ khoảng 35% quận, huyện có đơn vị lọc máu.
(TTXVN) Chiều 20/6, tại Hà Nội và qua các điểm cầu trực tuyến tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đà Nẵng, Hội Lọc máu Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày lọc máu chu kỳ đầu tiên (20/6/1972-20/6/2022).
Tại lễ kỷ niệm, các cán bộ y tế qua các thời kỳ đã cùng ôn lại những cột mốc trong xây dựng và phát triển chuyên ngành Lọc máu.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam cho biết: Ngày 20/6/1972, tại Bệnh viện Bạch Mai, ca lọc máu chu kỳ đầu tiên cho bệnh nhân Phạm Văn D. đã được thực hiện.
Ekip thực hiện gồm bác sĩ Nguyễn Nguyên Khôi - chịu trách nhiệm kỹ thuật; Chuẩn bị bệnh nhân: Bác sĩ Võ Phụng, Trần Văn Chất; Sinh hóa: Giáo sư Lương Tấn Thành; Chuẩn bị nối thông động tĩnh mạch: Bác sĩ Vương Hùng.
Bệnh nhân được tiếp tục lọc máu 3 lần/tuần cho đến tháng 12/1972. Sau đó, Mỹ ném bom Hà Nội, bệnh nhân không được tiếp tục điều trị. Trong giai đoạn 1972-1990, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên tiến hành lọc máu chu kỳ. Hiện cả nước có gần 350 đơn vị thận nhân tạo; hơn 28.000 người bệnh lọc máu chu kỳ với khoảng 5114 máy thận nhân tạo và 806 bác sỹ, 2591 điều dưỡng, 477 kỹ sư/kỹ thuật làm việc trong chuyên ngành Lọc máu - thận nhân tạo.
Những năm gần đây, nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, sự phát triển của các vấn đề an sinh xã hội, chất lượng lọc máu và chất lượng cuộc sống người bệnh ngày càng được nâng cao. Nhiều người bệnh lọc máu vẫn tham gia lao động đóng góp cho xã hội, có nhiều người đang lọc máu năm thứ 20 và lâu hơn. Lọc máu chu kỳ ở Việt Nam hiện nay sánh ngang tầm khu vực.
Năm 2020, Hội Lọc máu Việt Nam (VDA) được ra đời tại Quyết định số 551/QĐ-BNV ngày 4/8/2020 của Bộ Nội vụ). Hội là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho gần 6.000 cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực lọc máu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lọc máu cũng như phát triển chuyên ngành Lọc máu.
Từ khi thành lập, Hội Lọc máu Việt Nam đã tư vấn chính sách cho Bộ Y tế, Bảo hiểm Y tế Việt Nam, đặc biệt liên quan đến lọc máu trong dịch COVID -19 như việc tổ chức lọc máu tại các cơ sở khám chữa bệnh trong dịch COVID-19; hướng dẫn thanh toán bảo hiểm y tế đối với dịch vụ thận nhân tạo ở người bệnh lọc máu chu kỳ mắc COVID-19... Nhiều nội dung đã được Hội xây dựng và phát triển như: Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh thận; cập nhật về lọc máu trong COVID-19; đường vào mạch máu: tiếp cận toàn diện trong đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, điều trị can thiệp và theo dõi bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ; cập nhật một số vấn đề trong thận nhân tạo và ghép thận; Catheter đường hầm trong lọc máu: tiếp cận toàn diện về kỹ thuật, biến chứng nhiễm trùng và chăm sóc...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, khó khăn của chuyên ngành Lọc máu hiện nay là tỷ lệ bao phủ lọc máu còn thấp và không đồng đều (chỉ khoảng 35% quận, huyện có đơn vị lọc máu. Mức chi trả bảo hiểm y tế cho người bệnh có tăng, nhưng vẫn thấp so với thế giới (Mức chi trả: 556.000 đồng/lần thận nhân tạo - xấp xỉ 20 USD. Trong khi đó ở Trung Quốc: 100 USD, Lào 70 USD…).
Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam bày tỏ: "Hy vọng trong tương lai sẽ có những thay đổi về chính sách, chuyên ngành Lọc máu Việt Nam sẽ có những bước phát triển tốt đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối".
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong giai đoạn tới, Hội Lọc máu Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu, cập nhật chính xác dữ liệu lọc máu hàng năm, hoàn thiện hệ thống, phổ biến kiến thức lọc máu cho người bệnh và cho điều dưỡng, bác sỹ, kỹ thuật viên. Đồng thời tham mưu các chính sách quan trọng liên quan đến lọc máu cho Bộ Y tế để có những chính sách tối ưu góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới./.
- Từ khóa:
- An sinh xã hội
- chuyên ngành lọc máu