Để đảm bảo đủ chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2022 đặt ra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nam Định linh hoạt, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giúp người lao động hiểu về chính sách mới và đồng thuận tham gia.
(TTXVN) Để đảm bảo đủ chỉ tiêu số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2022 đặt ra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nam Định linh hoạt, đổi mới phương pháp tuyên truyền, giúp người lao động hiểu về chính sách mới và đồng thuận tham gia.
Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào việc trồng lúa và đánh bắt thủy sản ven bờ, nhưng chị Trần Thị Thu (ở xã Giao Hải, huyện Giao Thủy) vẫn dành ra một khoản tiền hàng tháng để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mong muốn sau này không phụ thuộc vào các con.
Chị Trần Thị Thu cho biết, nhờ được Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, chị hiểu rõ chính sách ưu việt của Nhà nước về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, chị đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 2 năm nay với mức đóng theo chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2022, thực hiện Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất sẽ tăng lên. Cụ thể, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là 330 nghìn đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng cũ. Điều này gây khó khăn đối với hộ có thu nhập không cao.
Chị Nguyễn Thị Hằng (ở xã Giao Hải, huyện Giao Thủy) cho hay, chị tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hơn một năm, với mức đóng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn và đóng theo quý. Từ đầu năm nay, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tăng lên. Với những hộ thu nhập thấp như gia đình chị, số tiền trên tương đối lớn.
Sau khi được cán bộ Bảo hiểm Xã hội huyện tuyên truyền về những thay đổi trên là tất yếu khi xã hội phát triển, đảm bảo cho người lao động khi về già nhận khoản tiền hằng tháng cao hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chị quyết định vẫn tham gia nhưng sẽ đóng từng tháng thay vì theo quý như trước để giảm bớt gánh nặng tài chính, chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.
Năm 2021, toàn huyện Giao Thủy có 2.314 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Từ đầu năm đến đầu tháng 6/2022, huyện có 2.212 người tham gia. Để có được kết quả trên, ngoài việc giao chỉ tiêu cho các địa phương, Bảo hiểm xã hội huyện linh hoạt, đổi mới trong cách thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.
Theo chị Lê Thị Dậu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Giao Hải, do đặc thù địa phương giáp biển, ngoài làm nông nghiệp, người dân đi biển nhiều ngày mới trở lại đất liền. Vì vậy, để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngoài tuyên truyền qua các hội nghị, lớp tập huấn của thôn, xóm, Hội Phụ nữ xã thường xuyên lên tàu, thậm chí tổ chức buổi sinh hoạt vào buổi tối để giúp ngư dân hiểu, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chia sẻ khó khăn đối với công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tình hình mới, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Giao Thủy Đỗ Huy Hùng cho biết, khi tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu, một số người dân, nhất là người mới tham gia thời gian ngắn bày tỏ băn khoăn và có ý định không tiếp tục tham gia.
Xác định khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi mức đóng thay đổi, ngay từ cuối năm 2021, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã tập trung tuyên truyền để người dân sớm nắm quy định của Nhà nước về việc tăng mức đóng tối thiểu, mức điều chỉnh và hiểu rõ quyền lợi được hưởng sau này khi mức đóng tăng lên. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các huyện, thành phố tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với đơn vị, địa phương nhằm đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền sao cho hiệu quả, phù hợp từng đối tượng; hướng dẫn người tham gia có thể đóng mỗi tháng một lần thay vì đóng theo quý, theo năm để giảm bớt gánh nặng tài chính…
Ông Nguyễn Cửu Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nam Định thông tin, thời gian tới, ngành phối hợp với các ngành, đoàn thể trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người tham gia hiểu rõ về thay đổi trong mức đóng. Mức đóng tăng cũng có nghĩa sau này người dân được hưởng số tiền hằng tháng cao hơn. Đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục… để phục vụ người dân ngày một tốt hơn./.
- Từ khóa:
- Nam Định
- bảo hiểm xã hội
- bảo hiểm y tế