Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ có cơ chế, chính sách thu hút, thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội.
(TTXVN) Chiều 10/6, Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại quận Bắc Từ Liêm.
Tại buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình đề nghị quận Bắc Từ Liêm tiếp tục tập trung quản lý và xử lý nợ bảo hiểm xã hội, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới do tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội của quận thuộc hàng cao của thành phố.
Đối với xử lý nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, quận Bắc Từ Liêm cần tập trung phân tích đánh giá kỹ đặc điểm nợ của các doanh nghiệp này, qua đó có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm doanh nghiệp, nhóm nợ cụ thể để đôn đốc sát sao thu hồi nợ. Kiến nghị các giải pháp đối với Bảo hiểm Xã hội thành phố đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Báo cáo về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội quận Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, những năm gần đây, nhất là từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của thành phố; sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị của quận nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hiện nay, địa bàn quận Bắc Từ Liêm có trên 5.522 đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội với trên 46.000 lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và hơn 272.000 người tham gia bảo hiểm y tế. Từ năm 2017 đến nay, từ chỗ số thu hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của quận mới đạt trên 677 tỷ đồng đến nay đã thu được trên 1.176 tỷ đồng; chi trả chế độ cho trên 55.000 người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với số tiền trên 1.700 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội; tham gia bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ, người lao động chưa chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, thậm chí người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trái quy định của pháp luật.
Từ năm 2020 đến nay, nợ đóng bảo hiểm xã hội năm sau tăng so với năm trước do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán, hoạt động cầm chừng và vẫn còn có những doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và không chấp hành các quyết định, kết luận kiểm tra.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020, công tác tuyên truyền phát triển người tham gia, công tác đôn đốc thu, thu nợ, thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bị hạn chế, 1 số đơn vị nợ lớn từ huyện Mê Linh và quận Cầu Giấy chuyển về như: Công ty Cổ phần Lilama3 nợ 41 tỷ; Công ty Cổ phần xây dựng số 2 Thăng Long nợ 7,1 tỷ, …
Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng của quận có mật độ dân số đông, mặt bằng dân trí cao, am hiểu các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và mức chuẩn nghèo năm 2022 tăng gấp đôi năm 2021, mức hỗ trợ đóng còn thấp, chưa tạo động lực, nhiều hộ dân thiếu khả năng tài chính để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của đa phần người lao động tự do và nông dân chưa có thu nhập ổn định.
Việc vận động, khuyến khích người sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn do người hưởng đa phần là người lớn tuổi, có thói quen sử dụng tiền mặt; cây ATM còn thiếu và quá ít, do số lượng cây ATM chủ yếu đặt tại trung tâm quận và ở khu công nghiệp trên địa bàn quận. Hiện nay còn 3 phường không có cây rút tiền như: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu... Số người chưa đăng ký còn lại là người cao tuổi có thói quen sử dụng tiền mặt, không quen sử dụng thẻ ATM, không sử dụng điện thoại...
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội của quận Bắc Từ Liêm còn cao đòi hỏi quận phải có giải pháp để tập trung giảm tỷ lệ này xuống trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị quận Bắc Từ Liêm rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn quận và có giải pháp cụ thể, phù hợp để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022 và chỉ tiêu chung của cả nhiệm kỳ từ năm 2021 - 2025.
Quận chỉ đạo nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động mô hình Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cấp quận và cấp phường, trong đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo; Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả của hoạt động Ban Chỉ đạo.
Bên cạnh đó, quận cần tăng cường tuyên truyền, phổ biển chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội để người dân hiểu và tích cực tham gia, tìm tòi giải pháp mới, cách làm hiệu quả để tuyên truyền vận động thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao hiệu quả của đại lý, cán bộ thu bảo hiểm xã hội. Đồng thời, quận đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội cũng như xử lý vi phạm xảy ra; Chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ liên ngành liên quan để quản lý, xử lý nợ bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ có cơ chế, chính sách thu hút, thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Quận cần rà soát thực hiện tốt chính sách về bảo hiểm xã hội đã được ban hành và triển khai khai ngay khi thành phố có cơ chế đặc thù.
Hội đồng nhân dân quận cần tăng cường tổ chức giám sát đối với các cơ quan của quận, các phường để thực hiện tốt chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội nói chung và các chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội trên địa bàn; Đồng thời chỉ đạo đôn đốc, giảm sát để các doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội./.
- Từ khóa:
- Nợ bảo hiểm xã hội