Phải tăng mức đóng, nhưng nếu cào bằng việc tăng mức đóng rất không nên, vì hiện nay, đối tượng đóng nhiều đang hưởng ít, đối tượng đóng ít lại hưởng nhiều.
TTXVN - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) với nhiều nội dung đổi mới so với Luật hiện hành đang được Bộ Y tế lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên lề Hội nghị tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí diễn ra ngày 1/6, tại Quảng Bình, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế là điều nên làm. Tuy nhiên, mở rộng cho ai để định hướng tới công bằng là câu chuyện phải tính toán.
Phóng viên: Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hướng bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong Luật Bảo hiểm y tế hiện hành. Thưa ông, như vậy Luật hiện hành chưa bao quát hết đối tượng tham gia và điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc bao phủ đối tượng cũng như quyền lợi của người dân?
Ông Phạm Lương Sơn: Chúng ta đã xây dựng được các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để phục vụ. Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó, bổ sung thêm các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội... Tuy nhiên, sẽ còn những nhóm đối tượng có thể trong quá trình liệt kê, thống kê, xây dựng nhóm đối tượng tiềm năng chưa bao quát hết, kể cả những nhóm đối tượng yếu thế và những người có công. Đơn cử như thanh niên xung phong chẳng hạn, vì trong Pháp lệnh Người có công với cách mạng chỉ nói đến bộ đội chứ không nói đến thanh niên xung phong. Bây giờ chúng ta đang sửa câu chuyện đấy, đưa vào cho họ hưởng quyền lợi.
Thứ hai, theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động, tuy nhiên, bản thân người sử dụng lao động thì chúng ta lại không coi họ là đối tượng. Họ lo cho hàng nghìn công nhân của mình nhưng bản thân họ lại bị “bỏ quên”. Do vậy, giờ đây khi thiết kế chính sách phải đưa chủ sử dụng lao động vào là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về đề xuất mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế?
Ông Phạm Lương Sơn: Mở rộng quyền lợi luôn là điều nên làm. Chỉ có điều, mở rộng cho ai để định hướng tới công bằng là câu chuyện phải tính toán. Giữa công bằng với cào bằng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Muốn chính sách bảo hiểm y tế hấp dẫn, phải mở rộng quyền lợi. Muốn mở rộng quyền lợi, phải có nguồn lực để đảm bảo quyền lợi đó, phải tăng mức đóng, nhưng nếu cào bằng việc tăng mức đóng rất không nên, vì hiện nay, đối tượng đóng nhiều đang hưởng ít, đối tượng đóng ít lại hưởng nhiều.
Mức trần đóng bảo hiểm y tế chỉ nên quy định tối đa bằng 6% lương hằng tháng của người lao động, mức đóng của doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức 4,5% là hợp lý, nhưng với người tham gia đối tượng hộ gia đình cần tăng kịch trần lên 6%, còn trường hợp nào không chịu được mức đóng này sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ của các nhà tài trợ. Có như vậy mới giải quyết được bài toán là tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm y tế.
Phóng viên: Từ phía cơ quan Bảo hiểm Xã hội, phải lo “cân, đong, đo, đếm” và từ thực tế việc chi quỹ trong những năm qua, theo ông, việc mở rộng quyền lợi có ảnh hưởng như thế nào đến việc cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế?
Ông Phạm Lương Sơn: Mở rộng quyền lợi là mong muốn của Bảo hiểm Xã hội. Thế nhưng, đúng là mở rộng quyền lợi mà không kèm theo đảm bảo nguồn lực - một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn lực là tăng mức đóng - thì sẽ tạo nên khó khăn. Tôi ủng hộ phương án của Bộ Y tế đang đề xuất, điều chỉnh tăng mức đóng, nhưng không ủng hộ việc điều chỉnh tăng cào bằng.
Chúng ta vẫn có nguồn lực để đảm bảo việc mở rộng quyền lợi đó, nhưng phải nghĩ đến chuyện lâu dài, nghĩ câu chuyện của 3 năm, tức là trung hạn chứ không phải là nghĩ của 1 năm. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà anh Huệ giao khi làm Phó Thủ tướng (Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi đó, nay là Chủ tịch Quốc hội – PV) là đảm bảo ổn định Quỹ Bảo hiểm y tế đến năm 2021 và thực tế là đã ổn định đến năm 2022.
Phóng viên: Việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình được Bộ Y tế nêu trong dự thảo Luật sửa đổi đang lấy ý kiến liệu có ảnh hưởng đến việc phát triển người tham gia, thưa ông? Theo ông vì sao có sự điều chỉnh tăng như vậy?
Ông Phạm Lương Sơn: Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, bởi người ta đang quen đóng mức thấp, nay bắt đóng mức cao hơn mà nói không ảnh hưởng thì không đúng. Nhưng chúng ta phải chấp nhận một phần giảm đi, để rồi tăng bền vững về sau, khi người ta thực sự cần. Dần dần, chúng ta phải triệt bỏ cái tư duy bao cấp ngay cả trong việc đóng, tham gia bảo hiểm y tế. Còn có thể là trong 100 người, chấp nhận 20 người bỏ.
Phóng viên: Như vậy có phải là mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân sẽ khó đạt được?
Ông Phạm Lương Sơn: Không thể hiểu toàn dân theo nghĩa là 100%, tức là 100 triệu dân đều tham gia bảo hiểm y tế. Đưa ra mục tiêu 98%, 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế là duy ý chí. Những người đang ngồi tù có tham gia không? Những người mắc bệnh tâm thần lang thang ngoài đường có tham gia không? Hiện nay, rất nhiều người cho rằng 100% mới là toàn dân, không phải vậy.
Phóng viên: Với đề xuất giảm mức hưởng chi trả bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng từ 100% hiện hành xuống 95% (điều 27), như người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ dưới 6 tuổi; người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên; hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sống tại vùng khó khăn; người sống tại khu vực đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công… ông có ý kiến gì?
Ông Phạm Lương Sơn: Đây là điều chỉnh mức hưởng để hướng tới sự công bằng và tăng cường trách nhiệm của người tham gia. Cũng cụm từ ấy thôi, nhưng dùng từ “giảm mức hưởng” nghe hơi tiêu cực, nhưng dùng từ điều chỉnh để tăng cường trách nhiệm của người tham gia lại là câu chuyện khác. Có thể trước kia anh hưởng 100%, nhưng giờ anh hưởng 95% thôi, trước hết là anh phải có trách nhiệm với bản thân anh, với quỹ mà anh đang được thụ hưởng. Khi anh đóng 5%, anh phải kiểm soát.
Ở Thái Lan, mỗi lần đi khám chỉ bỏ ra 30 baht thôi, nhưng nó là trách nhiệm, và dần dần thấm nhuần vào người dân, người bệnh, rằng họ có góp phần tạo nên giá trị của tấm thẻ bảo hiểm đó bằng việc đóng 30 baht nhỏ nhoi. Bây giờ mình cũng thế thôi, đi vào bệnh viện, muốn nằm cái giường điều hòa, có người sẵn sàng bỏ ra 100 USD, khoảng 2,5 triệu đồng, cảm thấy sung sướng lắm, thậm chí còn nằm đến hết 12 giờ mới ra. Đấy chính là trách nhiệm kiểm soát.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!