Những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua được phân tích cùng với các tồn tại, thách thức để có các giải pháp phù hợp.
(TTXVN) Hội thảo chuyên đề "Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” đã diễn ra sáng 17/12, tại Hà Nội.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Chính phủ đồng chủ trì tổ chức.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nội dung, chủ đề của Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội thảo nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách, các cơ quan quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, các địa phương, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, từ tháng 9 đến nay đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương, đặc biệt ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động và gia đình họ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng 2022 tăng khá mạnh so với cùng kỳ 2021. Thống kê tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 25,88%, Bình Dương tăng 39,08%, Đồng Nai tăng 54,69% và Tiền Giang tăng 66,5%.
Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.
Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống. Theo tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.
Trước tình hình trên, các cấp công đoàn đã đã nhanh chóng vào cuộc và triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động. Các cấp công đoàn đã chủ động nắm kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm.
Tuy nhiên, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.
Về lâu dài cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng giúp người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn. Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố có nguồn dự phòng cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung, trong đó có hỗ trợ người lao động trong thời điểm mất việc.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhằm duy trì việc làm bền vững, đưa thị trường lao động trở lại ổn định, cần tiếp tục thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp; cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động./.