Xã hội

Hướng đi giúp người lao động nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

Lai Châu

Xã Mồ Sì San lựa chọn xuất khẩu lao động bởi diện tích đất sản xuất trong xã ít, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế hạn chế

Ảnh minh họa/ TTXVN

(TTXVN) Xác định giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo, tỉnh Lai Châu có nhiều giải pháp khuyến khích người dân đi làm việc ở nước ngoài. Hướng đi này đã giúp nhiều gia đình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mồ Sì San là một xã nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Phong Thổ với diện tích tự nhiên không nhiều, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt… Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chương trình, dự án về phát triển kinh tế, từ năm 2020 đến nay, song song với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích các loại cây mới, có giá trị kinh tế cao, xã khuyến khích người dân tham gia xuất khẩu lao động.

Ông Tẩn Chỉn Lùng, Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San cho biết, xã lựa chọn xuất khẩu lao động là hướng đi nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình bởi diện tích đất sản xuất trong xã ít, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế hạn chế.

Theo đó, tại các cuộc họp bản, cán bộ xã Mồ Sì San phối hợp với các bên liên quan tuyên truyền về thị trường lao động tiềm năng, các công việc có khả phù hợp với người dân, cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Thổ hoàn thiện hồ sơ, tạo mọi điều kiện để người lao động vay vốn. Sau khi người dân đi làm việc ở nước ngoài, cán bộ xã thường xuyên giữ liên lạc để nắm bắt tình hình việc làm, đời sống. Nhờ đó, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn xã đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả tích cực.

Từ năm 2020 đến nay, xã Mồ Sì San có 121 người đi xuất khẩu lao động ở các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore… Trong đó, phần lớn lao động làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), mức lương trung bình mỗi lao động nhận được khoảng trên 20 triệu đồng/tháng. Hiện, xã còn 15 người đã đăng ký xuất khẩu lao động và đang chờ hoàn thiện thủ tục trong thời gian tới.

Gia đình bà Lý Xa Mẩy ở bản Mồ Sì San, xã Mồ Sì San là một trong số những hộ khó khăn. Đất sản xuất của gia đình rất ít và đa số thành viên trong gia đình là người cao tuổi, không có khả năng lao động. Cả gia đình bà chỉ dựa vào người con trai Tẩn Láo Sử. Tháng 4/2021, anh Sử đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan với công việc xây dựng, mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Đến nay, gia đình bà đã trả được 80 trong tổng số 130 triệu đồng vay ngân hàng. Cuộc sống của gia đình được cải thiện hơn.

Tương tự, chồng chị Phùng Tả Mẩy ở bản Mồ Sì San là anh Tẩn Chỉn Quang đi xuất khẩu lao động mỗi tháng gửi 21 triệu đồng về để chị Mẩy trả tiền vay ngân hàng. Ba mẹ con chị có thêm tiền sinh hoạt, đóng học cho con và tiết kiệm được 60 triệu đồng gửi ngân hàng.

Có thể thấy, từ hướng đi đúng đắn trong xuất khẩu lao động, người dân xã Mồ Sì San đang nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và tạo bước tiến mới trong phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo xã vùng biên, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Mồ Sì San là 18 triệu đồng/người/năm đến năm 2022 tăng lên 21,5 triệu đồng/người/năm. Những ngôi nhà tạm trước đây nay đã được thay thế bằng nhà xây kiên cố.

Để triển khai xuất khẩu lao động hiệu quả, huyện Phong Thổ bám sát chỉ tiêu giao và xây dựng kế hoạch đến cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã, trưởng bản, bí thư chi bộ. Cùng đó, huyện tạo nhóm zalo để cán bộ chuyên môn, các xã, trưởng thôn, bản trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình thực hiện cũng như những vướng mắc, kịp thời tháo gỡ.

Huyện đã còn tạo điều kiện cho 20 công ty tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện; giới thiệu, phân tích những ngành nghề phù hợp với khả năng từng người để người dân có căn cứ lựa chọn. Xác định người lao động phần lớn có cuộc sống khó khăn, thường vướng mắc về chi phí ban đầu đi xuất khẩu lao động nên huyện phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân được vay 100% vốn với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, để tránh tình trạng người lao động bị lừa gạt, huyện Phong Thổ ban hành quyết định giao lao động cho các công ty trước khi người lao động bay sang nước ngoài.

Một lớp học tiếng nước ngoài dành cho lao động xuất khẩu. Ảnh minh họa/TTXVN

Năm 2021, toàn huyện Phong Thổ có 63 lao động đi làm việc ở nước ngoài; năm 2022, có 67 lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn ở Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Nga. Hiện huyện còn 100 lao động sẽ xuất cảnh khi có công việc phù hợp.

Toàn tỉnh Lai Châu năm 2022 có 218 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Thực tế cho thấy, xuất khẩu lao động đã giúp cuộc sống của người dân cải thiện rất nhiều. Người lao động trả cả gốc, lãi ngân hàng đúng kỳ hạn. Nhiều hộ còn có vốn tích lũy gửi tiết kiệm, một số hộ xây được nhà, mua sắm phương tiện thiết yếu phục vụ gia đình./.

Đinh Thùy

Xem thêm