Bắc Giang mở rộng quy mô, tạo cơ hội thuận lợi cho người lao động và thanh niên tiếp cận với các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp.
(TTXVN) Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2023 tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2023, Bắc Giang phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho 29.000 người; trong đó cao đẳng 870 người, trung cấp 2.850 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 25.280 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 76%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%.
Bắc Giang mở rộng quy mô, tạo cơ hội thuận lợi cho người lao động và thanh niên tiếp cận với các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông để định hướng học nghề và thực hiện phân luồng sau Trung học Cơ sở.
Bên cạnh đó, Bắc Giang tập trung đào tạo, phát triển ngành nghề phù hợp với ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, chính sách thu hút người học trung cấp và cao đẳng (trọng điểm là nhân lực trong dịch vụ ngành du lịch, thương mại, các khu công nghiệp...).
Năm 2023, Bắc Giang chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của cơ quan quản lý các cấp; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hành cho người học nghề. Đồng thời, các cơ sở này liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chú trọng đào tạo những ngành nghề trọng điểm; tuyển dụng người học sau tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi thiết bị, tay nghề, hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp…
Đến nay, địa bàn tỉnh Bắc Giang có 36 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó, trường cao đẳng tăng lên 5 cơ sở (thêm hai cơ sở mới là: Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang và Trường Cao đẳng Biên phòng), 6 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tổng tuyển sinh các trình độ giáo dục nghề nghiệp năm 2022 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 31.871 người. Trong số này, phân theo trình độ đào tạo: cao đẳng (1.652 người); trung cấp (4.636 người); sơ cấp và đào tạo thường xuyên (22.691 người). Phân theo lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản (7.606 người); Công nghiệp - xây dựng (13.917 người); Dịch vụ (7.456 người)…
Nhờ đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Bắc Giang từ 72% năm 2021 lên 74% năm 2022; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32% (cả nước đạt 27%).
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tăng cường phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2022, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang đã hợp tác với 45 doanh nghiệp; Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp hợp tác với 55 doanh nghiệp; Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang hợp tác với 40 doanh nghiệp và Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang hợp tác với 3 bệnh viện cho hơn 4.900 học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Nhờ đó, người học được trải nghiệm công việc thực tế tại doanh nghiệp; nâng cao được tri thức bằng cách áp dụng học đi đôi với hành, học hỏi được kiến thức từ thực tế; trải nghiệm ban đầu về môi trường làm việc và văn hóa tại doanh nghiệp; hiểu biết về quy trình sản xuất, tham gia sản xuất trực tiếp và có thu nhập chính đáng…
Ngoài ra, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang hợp tác với 45 doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp hợp tác với 45 doanh nghiệp và Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang hợp tác với 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người học chuẩn bị tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp.
Kết quả, ngay sau khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trình độ cao đẳng, trung cấp, có 92 - 95% học sinh, sinh viên được doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí vào vị trí phù hợp, đáp ứng nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp…
Nhờ thực hiện khá hiệu quả việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm, đến nay, sau khi tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trên 85% học sinh, sinh viên có việc làm./.
- Từ khóa:
- Nghề nghiệp
- miền núi
- đào tạo
- hướng nghiệp