Sáng 16/6, thành phố Hà Nội đã thực hiện giám sát tại Bảo hiểm Xã hội thành phố về tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn từ năm 2017 đến nay.
(TTXVN) Sáng 16/6, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện giám sát tại Bảo hiểm Xã hội thành phố về tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn từ năm 2017 đến nay.
Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Đàm Thị Hòa cho biết, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 40%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 1,5%.
Việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm Xã hội thành phố phối hợp với Bưu điện thành phố xây dựng các phương án/hướng dẫn chi trả trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Công tác quản lý chi và giải quyết các chế độ được giám sát chặt chẽ theo quy định pháp luật, đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng. Trong đó, số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng qua ATM tăng hàng năm. Năm 2017 đạt 87,9 nghìn người hưởng 4.700 tỷ đồng (16%) thì đến năm 2021 là 201 nghìn người hưởng 12.856 tỷ đồng (34,09%).
Số lượng thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm xã hội giảm từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 115 thủ tục năm 2014, từ năm 2020 đến nay còn 25 thủ tục, tương đương giảm 90,4%. Việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo 3 hình thức: giao dịch trực tiếp tại bộ phận “một cửa” cơ quan Bảo hiểm Xã hội, giao dịch hồ sơ điện tử và giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình khẳng định kết quả đạt được của Bảo hiểm Xã hội thành phố thể hiện vai trò, chức trách, nhiệm vụ; thường xuyên có đổi mới sáng tạo và khắc phục hạn chế; đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu, tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện; tăng cường thu hồi nợ; thực hiện chi trả chế độ theo hướng cải cách hành chính...
Ông Nguyễn Thanh Bình lưu ý, qua giám sát thực tế và trao đổi cho thấy còn một số tồn tại và vướng mắc về thực hiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách. Bảo hiểm Xã hội thành phố cần khẩn trương chỉ đạo khắc phục được những tồn tại hạn chế, nhất là số nợ đọng, phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm... đang là những vấn đề nổi cộm.
Bảo hiểm Xã hội thành phố cần có những giải pháp để hoàn thành tốt chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 và giai đoạn 2021-2025; chủ trì thường trực tham mưu triển khai thực hiện tốt các chủ trương về Bảo hiểm Xã hội; tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt mục tiêu nhất là về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đóng góp vào an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, tìm tòi những giải pháp mới cũng như phương pháp tiếp cận đối tượng hiệu quả hơn; tập trung quản lý thu hồi nợ, trong đó khi tổ chức thanh tra kiểm tra cần hướng sâu tới những vi phạm tại doanh nghiệp để có giải pháp kiên quyết thu hồi nợ hiệu quả./.
- Từ khóa:
- Bảo hiểm y tế
- bảo hiểm xã hội