Sức khỏe

Thái Bình ưu tiên nguồn lực phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong ngành Y tế

Thái Bình

Tỉnh Thái Bình ưu tiên nguồn lực dự kiến 1.000 tỷ đồng để triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, từ nay đến năm 2028, tỉnh Thái Bình ưu tiên các nguồn lực dự kiến 1.000 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và quỹ phát triển sự nghiệp của các đơn vị), tập trung triển khai 159 kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế.

Công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viên Y học cổ truyền Thái Bình. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Việc triển khai kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu có ý nghĩa quan trọng giúp địa phương dự phòng sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, khám, phát hiện và điều trị tích cực, hiệu quả các bệnh lý khó, nguy hiểm ngay tại tuyến tỉnh; giảm quá tải cho hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, các bệnh viện tuyến trung ương. Bên cạnh đó, người dân Thái Bình được thụ hưởng các dịch vụ y tế dự phòng, khám chữa bệnh chất lượng cao ngay tại tỉnh, tiết kiệm được thời gian, chi phí trong khám, chữa bệnh. Đây cũng là giải pháp trọng tâm của ngành Y tế Thái Bình nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu của các cơ sở y tế trong tỉnh, từ đó tiếp tục thu hút thêm nhiều người dân tỉnh ngoài đến khám, chữa bệnh tại địa phương.

Trong số các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu sẽ được tỉnh Thái Bình triển khai có 88 kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác dự phòng bệnh tật; 71 kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh với nhiều kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến đối tượng là trẻ em. Thái Bình cũng xây dựng lộ trình đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị đáp ứng mở rộng quy mô khám chữa bệnh cho 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Mắt từ nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương. Ước tính tổng kinh phí trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2028 là 1.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 519 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 302 tỷ đồng và từ Quỹ Phát triển sự nghiệp của các đơn vị là 177 tỷ đồng.

Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình là 1 trong 3 bệnh viện dự kiến sẽ được đầu tư cơ sở vật chất mở rộng quy mô khám bệnh, điều trị. 
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, ngay sau khi Đề án phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập của ngành y tế giai đoạn 2024 – 2028 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở đã xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án. Trong đó bảo đảm các điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Dự kiến, năm 2025 Sở sẽ triển khai 31 kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh như: Chuyên ngành hồi sức cấp cứu, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch trẻ em, chuyên ngành ngoại và phẫu thuật nội soi…

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 32 bệnh viện, trong đó có 21 bệnh viện công lập, 9 bệnh viện tư nhân và 2 bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cao đẳng Y tế Thái Bình. Tổng số giường bệnh là 7.867 giường, đạt 40,3 giường bệnh/10.000 dân; trong đó số giường bệnh tư nhân là 1.026 giường bệnh, chiếm 13% giường bệnh toàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh có gần 700 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; 15 đơn vị hệ dự phòng và trung tâm chuyên khoa, 260 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, các cơ sở y tế trên địa bàn đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa công lập là các bệnh viện tuyến cuối của tỉnh trung bình mỗi năm thực hiện được 30 kỹ thuật mới/bệnh viện theo phân tuyến, số lượng kỹ thuật. Qua đó, giảm tỷ lệ tử vong, các biến chứng do đã được điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, tiết kiệm chi phí điều trị, giảm các chi phí phát sinh phục vụ người bệnh, người nhà người bệnh; đồng thời giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao tay nghề, góp phần tăng cường an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương./.

Thu Hoài

Xem thêm