Hội thảo không chỉ là một dịp nhìn lại lịch sử, mà còn là không gian để tri ân quá khứ, đánh giá hiện tại và định hình tương lai
Chiều 25/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “50 năm thống nhất đất nước - hành trình hướng tới kỷ nguyên mới của dân tộc”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hội thảo không chỉ là một dịp nhìn lại lịch sử, mà còn là không gian để tri ân quá khứ, đánh giá hiện tại và định hình tương lai. Bà Ngô Thị Phương Lan khẳng định, 50 năm thống nhất không chỉ là một dấu mốc thời gian, mà là hành trình dài của đổi mới, hội nhập và phát triển. Trong hành trình đó, vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục khoa học xã hội và nhân văn là nền tảng bền vững để bồi đắp bản lĩnh văn hóa, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển của thế hệ trẻ.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, nhà giáo và người học cùng chia sẻ, công bố các kết quả nghiên cứu. Với 130 tham luận, hội thảo tập trung làm rõ về ý nghĩa lịch sử và thời đại, giá trị của chiến thắng 30/4/1975 đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội sau 50 năm thống nhất đất nước; cơ hội, triển vọng, định hướng và giải pháp, chính sách, nguồn lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Các tham luận của các đại biểu đã nhấn mạnh, chiến thắng 30/4/1975 là một dấu mốc lịch sử có ý nghĩa thời đại sâu sắc, đặt nền móng cho 50 năm hòa bình, thống nhất, từ đó mở ra điều kiện vững chắc để đất nước kiến thiết và phát triển toàn diện. Chặng đường nửa thế kỷ vừa qua là quá trình tích lũy những thành tựu và bài học kinh nghiệm quý giá trong việc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, từ đó nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Trong bối cảnh mới, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và triển vọng to lớn, đòi hỏi cần có những định hướng chiến lược, chính sách hiệu quả và nguồn lực phù hợp.
Trong tham luận “Đại thắng mùa Xuân 1975: Sức mạnh của ý chí độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, nguyên Hiệu trưởng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, cách đây 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tự hào với quá khứ oanh liệt, trân trọng hiện tại hòa bình, mỗi người Việt Nam hôm nay, ở cả trong và ngoài nước, cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng dựng xây một Việt Nam thịnh vượng...
Nhấn mạnh về tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện đất nước thống nhất (30/4/1975), theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, để có được sự kiện lịch sử này, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao hy sinh xương máu, chống đế quốc, thực dân thực hiện khát vọng độc lập, thống nhất...
Giá trị lịch sử của 50 năm đất nước thống nhất đóng góp to lớn cả về lý luận và thực tiễn vào việc định hướng, định hình mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, làm cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn; khẳng định giá trị, tính đúng đắn của lý luận về đường lối đổi mới. Cùng với đó là định hình những giá trị cốt lõi được khẳng định: Đoàn kết, thống nhất; hòa bình, ổn định và phát triển; lợi ích quốc gia, dân tộc, để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay, đồng thời là kinh nghiệm quý báu thực hiện khát vọng phát triển đất nước.../.