Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân là chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
TTXVN - Lò cao kháng chiến Hải Vân nằm trong hang đá ở thị trấn Bến Sung, huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) được xây dựng và hoàn thành vào năm 1951. Trong 4 năm hoạt động (1951 - 1954), đây được xem là lò luyện gang đầu tiên để sản xuất vũ khí, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - kỳ tích của ngành Quân giới Việt Nam thời đó. Hiện, di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân là chứng tích hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
* Sản xuất hơn 500 tấn gang, thép phục vụ kháng chiến
Theo tài liệu lịch sử, năm 1948, Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng) giao nhiệm vụ cho kỹ sư Võ Quý Huân (trí thức kiều bào theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước năm 1946) thiết kế thi công lò cao luyện gang (thuộc Xưởng kim khí kháng chiến 3KC) phục vụ kháng chiến chống Pháp.
Ban đầu, Cục Quân giới và Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ đã chọn Cầu Đất (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) xây dựng lò cao nhỏ để thử nghiệm. Ngày 15/11/1948, lò cao Cầu Đất cho ra mẻ gang đầu tiên, là dấu mốc trong ngành Luyện kim và Công nghiệp quốc phòng của đất nước khi đó. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở gây khó khăn trong việc vận chuyển cũng như sinh hoạt của cán bộ, kỹ sư nên lò cao được dời về vùng Cát Văn bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ An. Việc xây dựng đang tiến hành thuận lợi thì thực dân Pháp phát hiện, ngày đêm cho máy bay ném bom đánh phá.
Cuối năm 1949, sau nhiều cuộc khảo sát, lò cao luyện gang được Cục Quân giới quyết định di chuyển đến thung lũng Đồng Mười, huyện miền núi Như Xuân (nay là huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Vị trí này thuận lợi về giao thông, gần nguồn nguyên, nhiên liệu, đảm bảo tính bí mật nên có thể hoạt động lâu dài.
Tháng 6/1950, các kỹ sư và công nhân bắt đầu xây dựng đồng thời hai lò cao với ký hiệu NX1, NX2. Lò NX1 có dung tích 6,7 m3 để sản xuất gang và lò NX2 kích thước nhỏ hơn (dung tích chỉ 1 m3) dùng để thử nghiệm.
Sau 15 tháng xây dựng, vận chuyển từ viên gạch chịu nhiệt đến hàng trăm tấn máy móc thiết bị từ Nghệ An và Ninh Bình, tháng 9/1951, hai lò cao đã hoàn thành tại thung lũng Đồng Mười.
Tháng 9/1951, lò NX2 cho ra mẻ gang đầu tiên. Ngày 7/11/1951, lò NX1 được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, khói lò tỏa ra dày đặc, dễ bị địch phát hiện nên phải tạm dừng hoạt động. Các kỹ sư, công nhân đã đào một đường dẫn khói dài 500 m nằm sâu dưới lòng đất, có nhiều lỗ thông hơi nhằm tản khói đi nhiều hướng, đảm bảo an toàn khi lò hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm.
Cuối năm 1951, lò NX1 hoạt động trở lại và sản xuất liên tục. Sau hai năm, hai lò đúc gang ở Đồng Mười đã sản xuất được gần 200 tấn gang cung cấp cho các công binh xưởng ở Khu 4 chế tạo vũ khí phục vụ chiến trường.
Hai lò đang hoạt động thì thực dân Pháp phát hiện, cho máy bay ném bom bắn phá suốt ngày đêm. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, được sự đồng ý của cấp trên, ban lãnh đạo lò cao Đồng Mười quyết định xây dựng lò cao trong hang núi, cách vị trí cũ chừng 2 km.
Việc xây dựng hệ thống lò cao to lớn và cồng kềnh trong lòng núi rất phức tạp về kỹ thuật và chưa có tiền lệ trên thế giới, song kỹ sư và công nhân vẫn quyết tâm thực hiện bằng được. Từ đầu năm 1953, họ vừa sản xuất gang tại vị trí cũ, vừa khoan đá, đánh mìn, dọn hang nhằm mở đường di chuyển máy móc, trang thiết bị đến vị trí mới.
Chỉ trong thời gian ngắn, lò đúc gang dung tích 8,3 m3, cao 13 m, mang bí số NX3 đã được lắp đặt hoàn chỉnh trong lòng núi Đồng Mười. Mỗi ngày, lò sản xuất trung bình 3 tấn gang cung cấp cho các công xưởng sản xuất vũ khí. Thời gian này, quân và dân ta làm nên chiến thắng tại đèo Hải Vân, vì vậy Cục Quân giới đã quyết định đổi tên lò cao NX3 thành lò Hải Vân.
Theo thống kê, từ cuối năm 1951 đến tháng 7/1954, lò cao NX1 và NX3 đã sản xuất gần 500 tấn gang, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chế tạo các loại vũ khí như mìn, lựu đạn, súng cối, đạn bazoka, xoong, nồi quân dụng... phục vụ chiến trường. Ngoài ra, gang còn dùng để đúc những quả tạ lớn làm búa máy phục vụ sửa chữa những cây cầu bị phá hoại trong chiến tranh.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa không chỉ là nơi cung cấp phần lớn sức người, sức của và lực lượng quân chủ lực cho chiến dịch mà còn là nơi cung cấp nguyên, vật liệu và đặt các xưởng sản xuất vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, ngoài nhiệm vụ đảm nhận vai trò hậu phương chiến lược, cung cấp phần lớn lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa còn là địa phương có nhiều công binh xưởng sản xuất vũ khí. Trong hai năm 1953 - 1954, cả nước có 42 xưởng cơ giới sản xuất súng đạn do Bộ Quốc phòng và Liên khu 4 quản lý thì thì có 15 xưởng đặt tại các địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Các xưởng đã sản xuất được nhiều loại vũ khí cung cấp cho bộ đội như súng DKZ, cối, thủy lôi, mìn...
* Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước
Sau thắng lợi tại Điện Biên Phủ, tháng 12/1954, lò cao kháng chiến Hải Vân hoàn thành sứ mệnh và ngừng hoạt động. Với những giá trị lịch sử mang lại, năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng lò cao kháng chiến Hải Vân là Di tích Lịch sử quốc gia.
Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hang Lò cao kháng chiến Hải Vân với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng.
Là người từng chứng kiến quá trình vận chuyển nguyên, vật liệu xây dựng lò cao trong hang đá Đồng Mười cách đây 70 năm, ông Lê Huy Quân (thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh) không khỏi bồi hồi xúc động khi thăm lại di tích. Năm 1950, ông theo gia đình di tản vào khu vực gần lò cao để tránh bom và được chứng kiến quá trình vận chuyển nguyên liệu sản xuất cũng như sản phẩm từ hang Hải Vân ra thị trấn Bến Sung để đưa đến các xưởng sản xuất quân giới trong và ngoài tỉnh… Với những giá trị lịch sử to lớn, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử và lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Trở lại thăm di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân, ông Lương Minh Công (thị trấn Bến Sung) mới hình dung hết được tầm vóc của lò cao kháng chiến, vì lúc đó mọi hoạt động sản xuất bí mật, chỉ có công nhân mới được vào trong khi vực lò. Ông Minh cho biết, khi ấy thực dân Pháp phát hiện hoạt động của lò cao, chúng cho máy bay quần thảo và ném bom liên tục. Nhưng do được đặt trong hang nên Lò cao kháng chiến Hải Vân tuyệt đối an toàn.
Theo bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, xác định Di tích Lịch sử Lò cao kháng chiến Hải Vân là di tích cách mạng có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, huyện tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân trong và ngoài tỉnh biết và thêm hiểu về giá trị lịch sử của di tích. Huyện cũng tập trung huy động, phát huy các nguồn lực để duy tu, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp. Thời gian tới, địa phương sẽ chỉ đạo các trường học tổ chức cho học sinh đến tham quan di tích, từ đó để các em thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước…/.