Xã hội

70 năm Giải phóng Thủ đô: Kim chỉ nam cho công cuộc phát triển thành phố Hà Nội

Hà Nội

Chặng đường 70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội.

Cầu Nhật Tân là một trong những dự án trọng điểm quốc gia 
Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN

Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa các nguồn lực của cả nước - là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, giao dịch và hội nhập quốc tế. Sau 70 năm Hà Nội giải phóng, Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản đồng bộ, hoàn chỉnh, đặt cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc phát triển Thủ đô.

* Phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Hà Nội: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần". Lời dạy và tinh thần của Bác trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị khi triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW. Tinh thần đặt ra là "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị; nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024. 
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN 

Thủ đô Hà Nội phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị chính là luồng sinh khí, nguồn động lực cho Hà Nội phát triển hướng tới mục tiêu trở thành Thủ đô thực sự “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: Định hướng mục tiêu phát triển của Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đóng vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt của Thủ đô trong tiến trình phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Đảng đưa ra tầm nhìn: đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; đạt trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 15-NQ/TW cũng là cơ sở để hoàn chỉnh hệ thống quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô với mục tiêu cao nhất xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cơ bản đã hoàn thiện tốt, đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội. Tương lai của Hà Nội nằm ở sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hoá dân tộc. Sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa sẽ giúp Hà Nội không chỉ phát triển về mặt vật chất mà còn trở nên giàu có về tinh thần.

​* Khẳng định sự nỗ lực không ngừng

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến-văn minh-hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.”
 Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và kỷ niệm các ngày lễ lớn trên địa bàn Thủ đô, trong đó có kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Hà Nội tiếp tục triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW (ngày 5/5/2022) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Luật Thủ đô sửa đổi, tạo tiềm năng, động lực và là tiền đề lớn để Hà Nội thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định: "Chặng đường 70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội với khát vọng xây dựng Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Với định hướng từ Nghị quyết 15-NQ/TW, Hà Nội đã rất chủ động, cùng các Bộ, ban, ngành Trung ương tổng kết, bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô, tích cực cùng các cơ quan Trung ương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô, xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả, tiềm năng thế mạnh của Hà Nội.

Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/1/2025 thực sự là cơ sở pháp lý vững chắc cho Hà Nội chủ động, sáng tạo ban hành và thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội đột phá. Với bản điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và bản xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực sự đã phát huy được vị thế của Hà Nội nơi "hội tụ tinh hoa, phát sáng hiền tài, khai phóng trí tuệ”, thực hiện các cơ chế đặc thù, đột phá, vượt trội, đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 15 - NQ/TW đề ra./.

T. An

Xem thêm