Các chiến sỹ Thủ đô khi rời Hà Nội ra đi vào đầu năm 1947, họ hẹn ngày trở về như một điều rất đỗi thiêng liêng và đầy quyết tâm. Cuối cùng, họ đã trở về trong chiến thắng.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngày 30/9/1954, tại Hội nghị Trung Giã, đại diện quân chính Việt Nam và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho Thủ đô.
* Tiếp quản Thủ đô
Ông Trần Quốc Hanh (nguyên cán bộ tuyên huấn của Trung đoàn 57, Đại đoàn 304) nhớ lại, đơn vị ông vào tiếp quản Hà Nội theo hướng từ Hà Đông vào Ngã Tư Sở, tiếp quản sân bay Bạch Mai, các căn cứ, công trình khu Cầu Giấy, Bưởi, Nhật Tân, Vĩnh Tuy từ sáng 9/10/1954. Ở Hà Đông, dân hai bên đường sôi động nhưng đến Phùng Khoang thì không khí vắng lặng nên mọi người đều đề cao cảnh giác. Khi quân báo về tại Ngã Tư Sở, Pháp dàn 1 hàng xe tăng và xe tăng thiết giáp, các cánh quân được lệnh dừng lại, sau đó dàn thành hai hàng dọc hành quân chiến đấu.
Thời điểm đó có Ban Liên hiệp quân sự hai bên, Ủy ban Giám sát quốc tế cũng đứng tại Ngã Tư Sở. Pháp giải thích, đây là nghi lễ chuyển giao của quân đội Pháp. Khi vào tiếp quản, bộ đội ta tập hợp 3 - 4 hàng có Ủy ban Giám sát quốc tế đi theo và được Pháp dẫn vào bàn giao các công trình quân sự, hành chính. Một cánh khác của Đại đoàn 304 vòng qua Mễ Trì tiếp quản các căn cứ ở Cầu Giấy, Nhật Tân và vòng xuống Vĩnh Tuy. Pháp bàn giao từng vị trí đồn, bốt và căn cứ quân sự.
Trước khi chuyển giao, Pháp phá hủy nhiều công trình và vận động các gia đình đi lính Pháp di cư vào Nam nhằm tạo ra thành phố không người, không chợ búa, không giao thông công cộng… Trước đó, địch cũng tung tin những người tiếp quản Thủ đô không phải dân Việt Minh mà là dân Tàu. Đến khi lực lượng ta hành quân hiền hòa, cầm cờ thì người dân mới vui mừng - Ông Trần Quốc Hanh cho biết.
Quân đội Việt Nam theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào các cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Lần lượt, họ tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ cùng các công trình quan trọng khác trên địa bàn thành phố. Đến cuối ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên xuống Hải Phòng để trở về nước. Quân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh (cựu cán bộ Công an), khi ông đang học Trường Công an Trung ương thì hòa bình lập lại. Ông và mọi người được điều về tiếp quản Thủ đô, trong đó đoàn của ông tiếp quản quận Cầu Giấy. Hình ảnh theo ông đến tận giờ là khi lực lượng của ta đi đến đâu thì Pháp rút đến đấy. Pháp vừa rút thì cờ đỏ sao vàng trong thành phố tung bay rực rỡ.
“Chúng tôi vừa phấn khởi, vừa lo. Phấn khởi vì được sống trong bầu không khí độc lập, tự do nhưng lo vì trách nhiệm phải hoàn thành nhiệm vụ an ninh trật tự, giữ gìn tài sản, các công trình, phát động quần chúng thực hiện các phong trào...” - Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Theo Hiệp định chuyển giao Hà Nội, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của đời sống thành phố. Trên thực tế, địch đã âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao, ngăn không cho ta nhanh chóng xây dựng Thủ đô Hà Nội; muốn chính quyền mới tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn.
* Chào đón những người con Hà Nội
Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh tiến vào Hà Nội sáng 10/10/1954.
Cánh quân phía Tây xuất phát từ khu vực sân Quần Ngựa, là những chiến sỹ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô tiến vào nội thành và đóng trong Thành cổ Hà Nội. Cánh quân phía Nam thuộc Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam học xá (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ) tiến vào nội thành, đóng quân ở các khu vực Đồn Thủy (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và Đấu Xảo (Cung văn hóa Hữu Nghị hiện nay). 9 giờ 30 phút, đoàn cơ giới và pháo binh cùng chỉ huy tiếp quản Hà Nội, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai tiến vào Thành cổ Hà Nội.
Người dân hân hoan đổ ra đường đón chào đoàn quân tiếp quản, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố, mọi người cầm hoa vẫy chào, gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ và cả thời kỳ Pháp thuộc kéo dài nhiều thập kỷ, chưa khi nào người Hà Nội có niềm vui lớn với sự thiêng liêng như vậy. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ thanh niên đến phụ nữ và mọi tầng lớp khác cùng hòa chung cảm xúc. Hơn tất cả, mọi người chào đón những người con Hà Nội, những người thuộc Trung đoàn Thủ đô đã từng thề “Sống chết với Thủ đô”, ra đi hẹn ngày về, nay cùng tiến về tiếp quản Hà Nội.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Đông (trú tại phố Huế, quận Hai Bà Trưng) mới 14 tuổi. Ông Đông kể lại, khi biết tin Hà Nội được giải phóng, mọi người ai cũng vui mừng. Người dân khu phố của ông mang vải ra chùa Cầu Đông (quận Hoàn Kiếm) may cờ; còn trẻ nhỏ, trong đó có ông thì học hát. Sáng sớm 10/10/1954, khi ông nghe thấy tiếng ồn ào ngoài phố, mở cửa ra thì thấy bóng dáng các chiến sỹ giải phóng quân đang tiến vào trung tâm. Mọi người đều ào ra xem, vui mừng chào đón. Các chiến sỹ cũng vẫy tay chào vui cùng người dân xung quanh.
Hòa trong dòng người cùng đón đoàn quân chiến thắng trở về, nhà sử học Lê Văn Lan khi đó còn là một thanh niên. Ông chia sẻ rằng, nhìn lớp lớp đoàn quân hân hoan trên đường phố, người dân hai bên đường nô nức đón chào, một cảm xúc trào dâng trong ông. Không chỉ hưởng niềm vui chiến thắng, ông còn được đón người thân trở về, bởi trong đoàn quân đó có người anh thứ hai của ông.
Các chiến sỹ Thủ đô khi rời Hà Nội ra đi vào đầu năm 1947, họ hẹn ngày trở về như một điều rất đỗi thiêng liêng và đầy quyết tâm. Cuối cùng, họ đã trở về trong chiến thắng./.
- Từ khóa:
- 70 năm Giải phóng Thủ đô
- tiếp quản
- Hà Nội