Xã hội

70 năm Giải phóng Thủ đô: Ra đi hẹn ngày trở về

Hà Nội

Cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Hà Nội đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “Cuộc lui quân thần kỳ”.

Các chiến sỹ tự vệ và nhân dân Hà Nội đào hầm hào, xây công sự chuẩn bị chiến đấu. 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Qua 2 tháng chiến đấu liên tục, trận địa của ta ở Liên khu I ngày càng bị thu hẹp; lương thực, vũ khí, đạn dược đã cạn, nguồn tiếp tế từ ngoài vào hạn chế. Trước tình hình đó, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Liên khu I lên An toàn khu để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

* Tạm biệt Hà Nội

Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ đã có thư gửi các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô. Người Vệ út năm xưa Phùng Đệ không giấu nổi xúc động khi nhớ lại giây phút ấy. Trong căn nhà nhỏ ở phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), ông kể rằng, Bác viết những dòng thư khiến cả Trung đoàn vừa cảm động, vừa tự hào. Bác hỏi tình hình ăn Tết của các chiến sỹ và chia sẻ, Chính phủ, Bác Hồ cùng mọi người ở vùng tự do không ai nỡ ăn Tết vì nghĩ đến các em gian khổ trong đó. Chính phủ và nhân dân mỗi nhà đều bớt một mâm cỗ để cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nghệ sỹ Ưu tú Phùng Đệ, người Vệ út năm xưa từng tham gia bảo vệ Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa. 
Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Trung đoàn Thủ đô sau đó được lệnh rút lên Việt Bắc sau 60 ngày đêm giao tranh ác liệt để giữ chân Pháp. Đêm 14/2/1947, Quân ủy Trung ương hội ý cấp tốc, báo cáo, đề nghị lên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương cho phép rút Trung đoàn Thủ đô ra ngoài sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây và kìm chân địch.

Trước khi đi, nhiều chiến sỹ của Trung đoàn đã không cầm được nước mắt, không muốn rời đi và dùng than hoặc gạch non viết lên bức tường “Hà Nội ơi, chúng tôi sẽ hẹn ngày chiến thắng trở về”, “Hỡi quân xâm lược Pháp, chúng tao hẹn ngày chiến thắng trở về”, “Tạm biệt nhé Hà Nội, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng trở về” - Ông Phùng Đệ cũng cho biết thêm.

Ông Phùng Đệ chia sẻ: “Đó là lời hẹn ước của các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đối với Hà Nội, tạm xa Hà Nội nhưng sẽ trở về sau chiến thắng. Bởi khi đó, Hà Nội đang trong vòng vây của địch, đang chịu nhiều đau thương. Nhiều người không muốn rời xa, vẫn muốn tiếp tục chiến đấu bảo vệ Thủ đô nhưng vì mục tiêu lâu dài nên phải ra đi” -

Giữa tháng 1/1947, hai bên thỏa thuận ngừng bắn để giải quyết vấn đề thương binh; cho ngoại kiều và thường dân tản cư ra ngoài. Trong khi đưa người dân khu phố Liên khu I ra khỏi thành phố, một đoàn cán bộ cùng 3.500 tự vệ cải trang làm thường dân ra theo. Chủ trương của Trung ương chỉ để khoảng 500 người ở lại Liên khu I chuẩn bị cho cuộc chiến cam go, ác liệt hơn. Tuy nhiên, nhiều người tự nguyện ở lại nên trên thực tế vẫn còn tới 1.200 người.

* 1.200 người vượt vòng vây an toàn

Sau khi Trung ương lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài thì việc tìm đường ra vô cùng khó khăn, bởi các ngả đường đều bị địch bao vây chặt. Khu vực phía Nam từ Hàng Khay, Tràng Tiền xuống phố Huế, Ô Đống Mác đều bị địch chiếm giữ. Khu vực phía Tây từ chợ Hàng Da trở ra đến Bưởi, Nhật Tân cũng thuộc sự chiếm đóng của địch. Phía Bắc cũng tương tự. Duy nhất khu phía Đông có đường phía cầu Long Biên có thể đi được nhưng trên cầu có bốt địch đang canh giữ. Ngay cả việc tìm đường ra theo đường cống ngầm cũng rơi vào bế tắc - Người Vệ út Phùng Đệ nhớ lại.

Trung đoàn Thủ đô đã xin mở đường máu. Nếu Trung ương không chấp thuận, các chiến sỹ xin ở lại chiến đấu đến người cuối cùng, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu đầu hàng. Tuy vậy, quyết định đưa ra là tiếp tục rút quân theo hướng cầu Long Biên.

Đêm 17, rạng sáng 18/2/1947, lực lượng của Trung đoàn Thủ đô chia thành từng đơn vị nhỏ cùng nhân dân Liên khu phố I lặng lẽ đi dưới gầm cầu Long Biên, vượt sông Hồng, sông Đuống, bí mật vượt qua vòng vây an toàn lên chiến khu, kết thúc 60 ngày đêm giam chân quân Pháp trong lòng Hà Nội.
 Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Đêm 17/2/1947, cả Trung đoàn tập trung ở khu vực đình Phất Lộc, đi theo phố Bắc Ninh (phố Nguyễn Hữu Huân hiện nay) ra Cột đồng hồ phía cầu Long Biên và hành quân men theo mép sông ra bến đò Tứ Tổng (phường Tứ Liên), vượt qua sông Hồng để sang An toàn khu. Tại đây, Trung đoàn tiếp tục củng cố lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Vì rút quân trong đêm với số người đông nên mọi người nắm dây nối nhau, mỗi người được phát một hình Tháp Rùa, đeo cờ đuôi nheo bên tay trái, tay phải đeo băng đóng dòng chữ Trung đoàn Thủ đô để nhận biết nhau, tránh Việt gian trà trộn - Vệ út Đặng Văn Tích kể lại.

Theo ông Đặng Văn Tích, sau khi qua phố Bắc Ninh, cả Trung đoàn leo qua đê ra ngoài bãi sông. Trong khi đó, trên cầu Long Biên là đèn pha của địch rọi sáng một vùng, đầu cầu là vị trí chốt của địch khiến tình thế vô cùng nguy hiểm. Tuy vậy, bất chấp hiểm nguy, cả Trung đoàn đều vượt qua khu vực kiểm soát trên cầu, men theo mép sông, nương theo khu vực trồng ngô, rau của người dân để hành quân tiếp. Đoàn quân được đội trưởng đội du kích Hồng Hà Nguyễn Ngọc Nại dẫn đường. Phía trong nội thành, một đơn vị thực hiện nghi binh đốt lửa, đi tấn công quấy rối để đánh lạc hướng địch.

Đêm 17, rạng sáng 18/2/1947, lực lượng của Trung đoàn Thủ đô chia thành từng đơn vị nhỏ cùng nhân dân Liên khu phố I lặng lẽ đi dưới gầm cầu Long Biên, vượt sông Hồng, sông Đuống, bí mật vượt qua vòng vây an toàn lên chiến khu, kết thúc 60 ngày đêm giam chân quân Pháp trong lòng Hà Nội.
Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Với trên 1.200 người, cuộc lui quân tiếp diễn cả đêm. Đến khoảng 4 - 5 giờ sáng, sợ địch phát hiện, các chuyến đò ngừng đưa quân sang sông. Bởi thế, một số ít lực lượng phải ở lại bên này sông. Sáng hôm sau, địch phát hiện các dấu chân ngoài bãi, cho quân đi thám sát thì thấy các khu phố vườn không nhà trống nên điên cuồng đuổi theo đánh trả. Đơn vị còn lại dù lực lượng mỏng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu; sau đó hy sinh gần hết, trong đó có liên lạc Nguyễn Ngọc Nại.

Cuộc rút lui của Trung đoàn Thủ đô ra khỏi Hà Nội đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “Cuộc lui quân thần kỳ”.

Tại An toàn khu, các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô củng cố lực lượng, tham gia chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều người sau này vinh dự cùng Đại đoàn quân Tiên Phong, trong đó Trung đoàn Thủ đô là nòng cốt trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954./.

Đinh Thuận - Nguyễn Thắng

Tin liên quan

Xem thêm