Văn hóa

70 năm Giải phóng Thủ đô: Từ “Thành phố vì hòa bình” đến “Thành phố sáng tạo”

Hà Nội

Hà Nội được biết đến với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" là biểu tượng cho khát vọng hòa bình và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, Hà Nội từng bước khẳng định vị thế của mình là một "Thành phố sáng tạo" trong khu vực và trên thế giới.

Trong suốt 70 năm sau ngày Giải phóng, Thủ đô đã trải qua nhiều biến đổi, từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh đến một trung tâm văn hóa, kinh tế sôi động của cả nước. Những công trình kiến trúc hiện đại, các khu phố nhộn nhịp và đời sống văn hóa phong phú đã tạo nên một Hà Nội trẻ trung, sôi động nhưng vẫn giữ gìn được những giá trị truyền thống nghìn năm.

Nhiều năm qua, Hà Nội được thế giới biết đến với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" là biểu tượng cho khát vọng hòa bình và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế của mình là một "Thành phố sáng tạo" trong khu vực và trên thế giới.

Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để Hà Nội vươn lên mạnh mẽ, không chỉ phát huy được những giá trị truyền thống mà còn trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế vì nền hòa bình, ổn định và phát triển.

*25 năm Thành phố vì hòa bình

Năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Giải thưởng Thành phố vì hòa bình UNESCO trao tặng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình. Một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, vươn lên với sức bật mạnh mẽ xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Một thành phố lan tỏa sự bình đẳng trong cộng đồng, điểm sáng trong xây dựng đô thị, thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và thế hệ trẻ cùng với những chính sách hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Lĩnh vực kết cấu hạ tầng được Hà Nội ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác.  
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Hà Nội luôn duy trì vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số nhưng thành phố hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Năm 2023, GRDP Hà Nội tăng 6,27%, gấp 1,24 lần mức tăng cả nước. Thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện, bình quân 150 triệu đồng/người/năm.

Những năm qua, Hà Nội thông qua nhiều chương trình, kế hoạch, nhất là Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; Chương trình số 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô…Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở tất cả các mặt: Môi trường, giáo dục, văn hóa.

Với Chương trình 08-CTr/TU, thành phố dành nguồn lực chăm lo các đối tượng yếu thế trong xã hội. Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà cửa thông qua hoạt động của các đoàn thể xã hội, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, đào tạo nghề. Nhờ thế, đến cuối năm 2023, thành phố chỉ còn 690 hộ nghèo, chiếm 0,03%, 15.835 hộ cận nghèo, chiếm 0,7% tổng số hộ.

Các lĩnh vực văn hóa, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch.

Khi nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tính riêng năm 2023, Hà Nội “gặt hái” được nhiều giải thưởng quốc tế với vị trí đánh giá, xếp hạng cao, như: "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á", "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu trên thế giới", "Điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới."

Năm 2024, Hà Nội tiếp tục được vinh danh tại hạng mục "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á" và "Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”.

Là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Nội luôn chú trọng làm tốt công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cơ quan và hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các sự kiện chính trị, văn hóa lớn; các hoạt động, chuyến thăm của nguyên thủ các quốc gia.

Hà Nội là nơi mà nhiều nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới thoải mái trải nghiệm không khí yên bình. 
Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Đáng chú ý, Thủ đô Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn, như Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) (2004); Hội nghị của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC 14) (2006); Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) (2015); Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai (2019); SEA Games 3 (2022)...

Việc Hà Nội trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng không chỉ chứng tỏ uy tín của thành phố trong cộng đồng quốc tế mà còn thể hiện đóng góp tích cực của thành phố cho an ninh khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hội nghị lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa giữa Hà Nội với các quốc gia khác và đặc biệt là đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Có lẽ vì thế mà lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng hằng năm, số người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội tăng đáng kể.

* Thành phố sáng tạo, kết nối toàn cầu

Năm 2019, tròn 20 năm Thủ đô đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình, lại một lần nữa, Hà Nội vinh dự là một trong 246 thành phố chính thức gia nhập lại chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực thiết kế.

Tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện để Hà Nội xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với sự phát triển bền vững.

Từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển, thực hiện hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.

Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 của Thành ủy “về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 1/4/2022, của Ủy ban nhân dân thành phố “Về thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.

Hà Nội tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo như “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội” cũng như đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam.

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa thu hút đông đảo người dân và du khách. 
Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Thời điểm nộp hồ sơ ứng cử năm 2019, Hà Nội mới chỉ có 2 Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố Trịnh Công Sơn, đến nay, thành phố phát triển thêm 4 không gian khác gồm Phố đi bộ và đường hoa trong không gian khu đô thị Bắc An Khánh, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Phố ẩm thực đêm và đi bộ Đảo Ngọc-Ngũ Xã, Phố đi bộ Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất…

Đặc biệt, việc tổ chức các lễ hội văn hóa, các sự kiện, tiêu biểu về hoạt động sáng tạo của Thủ đô thu hút đông đảo giới sáng tạo và nhân dân tham gia. Trong đó, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội tạo dấu ấn lớn khi quy tụ nhiều đơn vị, tổ chức, giới sáng tạo và cộng đồng, đồng thời khơi dậy nguồn lực của văn hóa Hà Nội cho hoạt động sáng tạo.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo tổ chức hằng năm được xác định là một điểm nhấn quan trọng để Hà Nội định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo của mình.

Bắt đầu bằng Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021, sự kiện sau đó phát triển thành Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022 và được ấn định là sự kiện thường niên, góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới thiết kế trẻ, kết nối đa dạng các nguồn lực đồng hành, thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo của thành phố.

Khách tham quan, trải nghiệm triển lãm tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.
Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên "Giao lộ sáng tạo”. Hơn 100 hoạt động diễn ra trong suốt thời gian lễ hội, hơn 1.000 tác phẩm sáng tạo cùng sự góp sức của trên 500 người thực hành thiết kế sáng tạo, các chuyên gia, đội ngũ hỗ trợ, và sự hưởng ứng của các không gian sáng tạo, hoạt động sáng tạo trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã làm nên một "bữa tiệc" nhiều màu sắc.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố đang hướng tới xây dựng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, tạo điểm nhấn trong năm, thu hút đông đảo nhà thiết kế, doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế tham dự. Lễ hội nhằm kết nối sự sáng tạo, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới hình thành Trung tâm thiết kế sáng tạo, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật... phát triển ngành công nghiệp văn hóa dọc hai bên bờ sông Hồng. Đồng thời, đây cũng là dịp thành phố lan tỏa những vấn đề UNESCO mong muốn sau khi Hà Nội được công nhận là Thành phố sáng tạo, tạo dựng một môi trường tốt để cộng đồng sáng tạo phát huy khả năng của mình./.

P.Q

Tin liên quan

Xem thêm