Xã hội

80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam: Hà Tiên hướng đến đô thị vùng biên hiện đại

Kiên Giang

Sau 45 năm chiến thắng trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Hà Tiên đang kiến tạo phát triển trở thành một thành phố hiện đại, giàu đẹp nơi vùng biên giới.

Chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) trực canh trên tuyến biên giới đất liền vùng biên. 
Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Nằm ở địa đầu biên giới Tây Nam Tổ quốc, thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) trên đà phát triển, hướng đến đô thị vùng biên hiện đại, thực sự là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh, đô thị trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

* Chiến thắng trong chiến tranh biên giới Tây Nam

Năm 1975, sau khi cách mạng thành công, tập đoàn Pôn Pốt đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam, trong đó có Kiên Giang.

Lịch sử truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang còn ghi lại, nhân dân 4 xã biên giới của Hà Tiên phải sơ tán, bỏ hoang hơn 1.500 ha ruộng, vườn. Đặc biệt, từ ngày 3 - 5/5/1975, địch đổ quân đánh chiếm bắc đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà cướp bóc tài sản, giết hại dã man đồng bào ta, bắt đi gần 600 người dân vô tội. Trước tình hình trên, chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng, lực lượng vũ trang Kiên Giang đã phối hợp với các đơn vị của Quân khu chiến đấu kiên cường, dũng cảm, kiên quyết trừng trị bọn phản động Pôn Pốt. Từ ngày 15/5 - 14/6/1975, quân ta tổ chức lực lượng phản công tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch, giải phóng hoàn toàn các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà địch đã chiếm, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đêm 30/4/1977, địch bất ngờ đồng loạt tiến công toàn tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang mở đầu cho cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Đối với tỉnh Kiên Giang, ngày 11/6/1977, địch tập kích hỏa lực trên toàn tuyến biên giới.

Đại tá Huỳnh Tòng (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 893, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) chia sẻ, trước khi gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam, địch liên tiếp có những hành động xâm lấn như nhổ cột mốc, phá hàng rào, xâm canh dân cư, bắt dân, dùng hỏa lực bắn sang lãnh thổ của ta, làm cho tình hình căng thẳng và gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Tiêu biểu như trận đánh địch tiến công vào phía Bắc thị trấn Hà Tiên ngày 14/6/1977, diệt trên 100 tên địch, đánh bại ý đồ đánh chiếm thị trấn Hà Tiên của địch ngay từ đầu.

Trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả (1979 - 1989), cùng với các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia của Việt Nam, lực lượng vũ trang Kiên Giang, trong đó có Hà Tiên đã cùng quân - dân Campuchia đoàn kết chiến đấu, tiêu diệt tàn quân Pôn Pốt. Đồng thời, tích cực giúp nhân dân 4 tỉnh Kampot, Kep, Kohkong, Shihanuk củng cố, xây dựng chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế và giữ vững trật tự xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc công cuộc giải phóng, kiến thiết đất nước “Chùa Tháp”.

* Xây dựng đô thị vùng biên hiện đại

Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) tiếp giáp Vương quốc Campuchia. 
Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Sau 45 năm chiến thắng trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Hà Tiên đang kiến tạo phát triển trở thành một thành phố hiện đại, giàu đẹp nơi vùng biên giới. Đồng thời, xây dựng thành phố Hà Tiên là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Lãnh đạo thành phố Hà Tiên cho biết, thành phố tập trung triển khai Quyết định số 189/QĐ-TTg, ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung thành phố và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040; phát triển Hà Tiên với 3 nhóm chiến lược gồm: Các chiến lược phát triển tổng quan, các chiến lược phát triển đô thị và kinh tế cốt lõi, các chiến lược phát triển nền tảng.

Hà Tiên phát triển theo mô hình đô thị di sản, lưỡng cực, nhất thể, đa trung tâm và chia thành các khu vực phát triển như: Đô thị truyền thống, du lịch di sản, văn hóa, lịch sử, tham quan danh lam thắng cảnh; đô thị cửa khẩu, logistics, du lịch nghỉ dưỡng quá cảnh, mua sắm, du lịch sinh thái ngập nước; đô thị du lịch cộng đồng, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; đô thị du lịch chuyên đề, du lịch khám phá, sinh thái biển, phát triển cảng, sân bay chuyên dụng phục vụ du lịch và giao thông đô thị kết nối với Phú Quốc và cùng lân cận… với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền quốc gia biên giới, biển đảo.

Địa phương huy động nguồn lực phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, góp phần trở thành đô thị trọng điểm, trung tâm kinh tế, phát triển mạnh về thương mại biên giới, dịch vụ, du lịch... để cùng với 2 thành phố Rạch Giá, Phú Quốc trở thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển của tỉnh Kiên Giang.

Cán bộ chiến sĩ Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) kiểm tra giấy tờ của khách qua cửa khẩu.
Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Năm 2024, tỉnh đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư dự án các lĩnh vực khu du lịch sinh thái, khu dân cư, nhà nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố Hà Tiên với tổng diện tích hơn 16 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.460 tỷ đồng. Các nhà đầu tư ký 17 biên bản ghi nhớ đầu tư trên địa bàn Hà Tiên, gồm: Du lịch, thương mại, đô thị, khu công nghiệp, chế biến thủy sản, cấp nước, xử lý nước thải… với tổng diện tích hơn 1.200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 37.400 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Hà Tiên Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, địa phương đang có nhiều kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư và luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Một trong những vấn đề cốt lõi là Hà Tiên tập trung nguồn lực xây dựng phát triển, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, phát triển kinh tế biên mậu, giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin hiện đại; đặc biệt phát triển hạ tầng số, thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, du lịch… phục vụ phát triển kinh tế của địa phương.

Hà Tiên tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên vùng biên. Đồng thời áp dụng, thực hiện chính sách ưu đãi pháp luật cho phép, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh. Thành phố đang tập trung vào phát triển du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế như: Du lịch khám phá “Hà Tiên thập cảnh”, lịch sử văn hóa và lễ hội, tâm linh tín ngưỡng; du lịch sinh thái biển đảo, đầm Đông Hồ…

Thành phố huy động, tập trung nguồn lực đầu tư các công trình văn hóa như: Nhà trưng bày và cột biểu “Hà Tiên thập cảnh”, bảo tàng “Hà Tiên thập cảnh” và “Tao đàn Chiêu Anh Các”, tổ hợp văn hóa, du lịch Hà Tiên thập cảnh, bảo tàng sinh thái đầm Đông Hồ và lịch sử Hà Tiên, bảo tàng sinh thái biển Hà Tiên, tháp ngắm cảnh Núi Đèn và Tô Châu, làng văn hóa Hữu Nghị… Hà Tiên tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến hoạt động thương mại du lịch, đẩy mạnh việc ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin. Năm 2024, thành phố đón hơn 3 triệu lượt du khách, vượt 16% kế hoạch, tăng trên 21% so với năm 2023; trong đó có 6.897 lượt khách quốc tế./.

Lê Huy Hải

Xem thêm