Tại Măng Đen, nhiều du khách thích thú khi ngắm nhìn hoa anh đào chớm nở; thưởng thức diễn tấu văn hóa cồng chiêng – múa xoang và các nhạc cụ truyền thống; trải nghiệm không gian trà đạo.
(TTXVN) Dịp đầu năm mới 2023, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) thu hút rất đông du khách đổ về để tham quan, nghỉ dưỡng. Để chào đón du khách gần xa, huyện Kon Plông đã tổ chức chương trình Tuần Văn hóa - Du lịch Măng Đen với nhiều hoạt động ấn tượng, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ, độc đáo.
Tại Măng Đen, nhiều du khách thích thú khi ngắm nhìn hoa anh đào chớm nở; thưởng thức diễn tấu văn hóa cồng chiêng – múa xoang và các nhạc cụ truyền thống; trải nghiệm không gian trà đạo; tham quan hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và ẩm thực…
Chị Trịnh Anh Thi (du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị đến với Măng Đen và may mắn khi đúng vào dịp địa phương tổ chức hoạt động văn hóa - du lịch. Cảm nhận sâu sắc nhất chính là Măng Đen được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng. Người dân tại đây rất hòa đồng, thân thiện, mang đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc khó quên.
Bên cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Măng Đen như thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, dịp này, du khách có thêm điểm tham quan độc đáo tại khu vực rừng thông ở trung tâm huyện. Đây là nơi huyện Kon Plông phối hợp với nhà thiết kế Minh Hạnh và nhà sưu tầm văn hóa Đặng Minh Tâm để phục dựng 5 nhà rông truyền thống của người dân tộc thiểu số.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông Đặng Đình Toán cho biết, với tên gọi Không gian văn hóa “Thiên đường Tây Nguyên”, du khách khi đến đây sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm hiện vật gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân tộc thiểu số tại huyện Kon Plông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Qua đó, giúp du khách hiểu hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Kon Plông và có những trải nghiệm mới lạ; đồng thời, huyện còn gửi gắm thông điệp bảo tồn văn hóa truyền thống đến người dân trong và ngoài tỉnh.
Chị Trần Như Quỳnh (du khách đến từ tỉnh Quảng Ngãi), không gian văn hóa tại đây được thiết kế bắt mắt với nhiều chi tiết đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Thông qua không gian được phục dựng, bản thân chị và những người khác dễ dàng hình dung được đời sống sinh hoạt thường ngày, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc.
Đây là dấu ấn rất riêng của huyện Kon Plông, thể hiện đặc trưng của một vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch, mang đến cho du khách trải nghiệm đậm đà bản sắc văn hóa của khu vực Tây Nguyên.
Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng nặng nề khi tổng lượng khách du lịch trong năm 2020 giảm 54,22%, so với năm 2019; năm 2021, lượng khách du lịch tiếp tục giảm mạnh, khi chỉ đạt gần 50% so với với năm 2020. Tuy nhiên, kể từ khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Kon Tum trở lại trạng thái bình thường mới, ngành du lịch địa phương đã có những bước chuyển biến khởi sắc.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, năm 2022, toàn tỉnh thu hút được hơn 1 triệu lượt du khách, đạt 122,22% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 265 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch.
Trong sự thành công chung của ngành du lịch, huyện Kon Plông góp một phần không nhỏ khi tổ chức nhiều hoạt động du lịch nổi bật, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đổ về tham quan.
Đơn cử trong năm 2022, huyện Kon Plông đã tổ chức Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III với chủ đề "Trường Sơn Tây Nguyên - Đoàn kết, bản sắc và Phát triển"; Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên và đang triển khai Tuần Văn hóa - Du lịch Măng Đen.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Phạm Văn Thắng cho biết, thị trấn Măng Đen được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng.
Do đó, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động du lịch gắn với văn hóa của người dân tộc thiểu số tại chỗ, được du khách đánh giá cao. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; mang đến cho du khách trong và ngoài nước nhiều trải nghiệm, cảm nhận mới mẻ về những nét đặc trưng của khu vực Tây Nguyên.
Với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, huyện Kon Plông đã xây dựng ngành du lịch khai thác những giá trị văn hóa đậm bản sắc các dân tộc Tây Nguyên. Du khách khi đến đây có thể hiểu được sự hình thành của Măng Đen gắn với truyền thuyết của người Mơ Nâm về vùng đất “bảy hồ, ba thác”. Từ đó, lan tỏa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người dân tộc tại chỗ, góp phần khơi dậy tinh thần khát vọng xây dựng và phát triển Măng Đen nói riêng và huyện Kon Plông nói chung trở thành trung tâm du lịch của cả nước./.