Du lịch

Nhìn lại 2022: Phú Yên “chuyển mình” để trở thành nơi đáng sống, đáng ghé thăm

Phú Yên

Năm 2022, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương đã có những “chuyển mình” và đà phục hồi tốt.

Tháp Nghinh Phong bờ biển thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: Châu Đạo Cường/TTXVN phát

(TTXVN) Phú Yên là tỉnh nằm trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có quy mô nền kinh tế nhỏ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế. Trong bối cảnh phát triển chung của cả nước, tỉnh có thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.

Năm 2022, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương đã có những “chuyển mình” và đà phục hồi tốt. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện mục tiêu phấn đấu: "Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại".

*Nhiều tín hiệu phục hồi kinh tế

Năm 2022, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên trên đà phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,46% (kế hoạch là 7,0%). Tổng kim ngạch xuất khẩu 236 triệu USD, vượt 14% kế hoạch, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 5.365 tỷ đồng (đạt 107% dự toán Trung ương giao). Đáng chú ý, doanh thu hoạt động du lịch đạt 2.760 tỷ đồng, gấp 7,2 lần, trong đó doanh thu lưu trú đạt 372,8 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Tại Phú Yên, hoạt động của các doanh nghiệp đang từng bước phục hồi. Năm 2022, tỉnh có 522 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 45,8% so với cùng kỳ; tổng số vốn doanh nghiệp thành lập mới đăng ký là hơn 4.326 tỷ đồng. Doanh nghiệp trở lại hoạt động có 28 doanh nghiệp, tăng 86,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đang có đà phục hồi nhanh.

Ông Cao Đăng Viễn, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phú Yên cho biết: Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 11,2% so với năn ngoái; giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt hơn 20.577 tỷ đồng. Kết quả điều tra hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy, quý IV/2022 có 29,6% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh đang tốt lên. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này có số lượng đơn hàng mới tăng lên và có đến 31,8% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng thành phẩm tồn kho giảm xuống so với quý III/2022...

Các thuyến đều hướng về cửa biển chủ tàu làm lễ cúng biển cầu mong cho anh em thuyền viên khỏe mạnh và có một vụ đánh bắt mới tôm, cá đầy khoang. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên chú trọng đảm bảo an sinh xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 57,6 triệu đồng/người/năm, riêng khu vực miền núi đạt từ 20-26 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tính đến cuối năm 2022 là 4,1% (tổng số hộ là 10.781 hộ), giảm 0,8% so với đầu năm...

Năm 2023, tỉnh Phú Yên phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu 240 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 21.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,85%...

Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, địa phương sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, nhất là dự án lớn, tạo điểm nhấn, sức bật cho nền kinh tế. Các địa phương tập trung triển khai đầu tư các chương trình, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để nâng cao đời sống cho người dân...

*Là nơi rất đáng đến, ghé thăm

Năm 2022, du lịch Phú Yên là "từ khóa" tìm kiếm hàng đầu trên Google. Điều này cho thấy, Phú Yên đã dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Một năm qua, kể từ khi hoạt động du lịch được phục hồi, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt khoảng 2,2 triệu lượt, gấp 5,3 lần; doanh thu dịch vụ du lịch tăng gấp 6,9 lần so với cùng kỳ, đó là một dấu hiệu phục hồi phát triển rất tích cực.

Với lợi nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và “con người nghĩa tình, đôn hậu”, Phú Yên là nơi rất đáng để du khách, bạn bè đến thăm. Trong tương lai, Phú Yên sẽ phát triển du lịch trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của quốc gia. Du lịch Phú Yên thu hút du khách bằng tính độc đáo, chuyên nghiệp và bền vững. Cùng với đó là những điểm du lịch khám phá thiên nhiên; di sản, không gian văn hóa và các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030”, việc kết nối hình thành các tour du lịch; tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch đang được tăng cường. Bên cạnh đó, các địa phương đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực; xây dựng mô hình kinh tế ban đêm nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Du lịch Phú Yên kỳ vọng sẽ đón được 2,4 triệu lượt khách (trong đó 15.000 khách quốc tế) và có thể nhiều hơn thế trong năm 2023.

Thắng cảnh quốc gia Hòn Yến, huyện Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Châu Đạo Cường/TTXVN phát

Phú Yên không chỉ là nơi đáng để du khách đến du lịch, nghỉ dưỡng mà còn là nơi rất đáng đến để đầu tư. Năm 2022, tỉnh Phú Yên đã nỗ lực nâng cao chỉ số PCI tăng 7 bậc, chỉ số PAPI tăng 14 bậc và chỉ số cải cách hành chính tăng 1 bậc so với cùng kỳ. Công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng. Có 23 nhà đầu tư khảo sát địa điểm, nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh trên các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản, sân golf, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, công nghiệp…

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã chấp thuận chủ trương đầu tư 22 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.485 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 07 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 8.720 tỷ đồng...

Phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đã nêu lên nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023, tạo tiền đề vững chắc và là động lực để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW ngày 03/11/2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Bộ Chính trị, tỉnh Phú Yên sẽ chú ý tập trung đến các lĩnh vực có cơ hội để bứt phá kinh tế biển; đảm bảo ưu tiên sự phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Phú Yên tập trung hỗ trợ để phục hồi và phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn về du lịch và dịch vụ; chú trọng nhiều hơn các vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số để tạo sự bứt phá thật sự rõ nét.../.

Xuân Triệu

Xem thêm